27/09/2023 - 15:06

Cần Thơ 20 năm xây dựng và phát triển

Vị thế mới, quyết tâm cao 

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Với những lợi thế nổi trội, từ lâu TP Cần Thơ được mệnh danh Tây Ðô - thủ phủ miền Tây. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (ngày 1-1-2004), vị thế của Cần Thơ càng được củng cố và đón thêm tiềm lực mới nhưng cũng đặt ra những trọng trách lớn đối với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Ðảm đương trọng trách này, Cần Thơ đang ra sức phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực cùng truyền thống đoàn kết, tinh thần năng động, sáng tạo để vươn lên đổi mới, xứng đáng với vị thế thành phố “đầu tàu” kéo các tỉnh trong vùng cùng phát triển.

Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy sữa Cần Thơ. Ảnh: MỸ THANH

Bài 1: Mốc son 20 năm

Hành trình 20 năm xây dựng và phát triển, TP Cần Thơ từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng ÐBSCL, tính chất đầu mối và chi phối về thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, y tế, đào tạo, giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Kết quả ấy là sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, những người con Tây Ðô và cả những người tin tưởng chọn nơi đây làm nơi an cư, lạc nghiệp.

Tăng trưởng ấn tượng

Theo UBND TP Cần Thơ, qua 20 năm xây dựng và phát triển, quy mô nền kinh tế từng bước được cải thiện, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhờ đó, diện mạo thành phố thay đổi theo hướng khang trang, văn minh, hiện đại. Tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004-2010 tăng bình quân 15,18%/năm; GRDP giai đoạn 2011-2023 (số liệu thống kê năm 2023 là số liệu ước - PV) tăng bình quân 5,64%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.

Trong công cuộc CNH, HÐH, TP Cần Thơ tích cực xây dựng hình ảnh của một thành phố công nghiệp trẻ năng động. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Cần Thơ được sự hỗ trợ nhiệt tình từ cơ quan chức năng, cùng các chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất, tiền thuê đất... Ông Huỳnh Trung Quang, Tổng giám đốc Công ty Thép Tây Ðô, chia sẻ: “Thép Tây Ðô thành lập từ năm 1995 và đi vào hoạt động từ năm 1997 với công suất ban đầu 120.000 tấn/năm. Tháng 11-2022, Công ty đưa vào hoạt động nhà máy luyện thép công suất 170.000 tấn/năm, với tổng mức đầu tư 491 tỉ đồng. Năm 2022, sản lượng sản xuất thép xây dựng của công ty đạt 87.000 tấn, sản lượng tiêu thụ 84.500 tấn, doanh thu đạt 1.500 tỉ đồng. Công ty phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt doanh thu 2.500 tỉ đồng. Ngoài ra, để mở rộng quy mô sản xuất, công ty đang định hướng đầu tư dự án nhà máy luyện cán thép quy mô 1 triệu tấn/năm”.

Trong 20 năm qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ của thành phố phát triển mạnh mẽ, giao thương sầm uất bậc nhất của vùng. Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, tự hào: “Nhiều năm liền tổng mức hàng hóa bán lẻ của Cần Thơ đứng đầu trong khu vực ÐBSCL và đứng vị trí thứ 3 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Ngoài 106 chợ truyền thống, trên địa bàn còn có 14 siêu thị, 5 trung tâm thương mại và 162 cửa hàng tiện ích. Ðây là các loại hình thương mại hiện đại đang ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân thành phố và du khách. Tiến trình hội nhập và phát triển, sản phẩm hàng hóa của thành phố xuất khẩu trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới”.

Các loại hình thương mại, dịch vụ hiện đại, đa dạng đang ngày càng phát triển rộng rãi tại TP Cần Thơ. Trong ảnh: Du khách trải nghiệm làm gốm tại Trung tâm sinh thái trải nghiệm và hướng nghiệp Nhân Trí Dũng Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Không chỉ ở các quận trung tâm, tại các huyện, “tam nông” không ngừng phát triển theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Ngành Nông nghiệp đã và đang tập trung thực hiện tái cơ cấu lại theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị; phát triển vùng nguyên liệu nông sản tập trung đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập trung nổi bật như Thới Lai, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh với diện tích cánh đồng mẫu lớn đạt khoảng 55.000ha. Về cây ăn trái, thành phố hình thành vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực, cùng sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu, với diện tích gần 12.000ha. Thành phố đã cấp và đang quản lý 94 mã vùng trồng của 17 đơn vị trên các loại cây trồng như nhãn, vú sữa, xoài xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Trung Quốc, EU… Chương trình Xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu với toàn bộ 36 xã và 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 26/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Tình đất, tình người

Ðồng hành cùng sự phát triển của thành phố còn có những doanh nghiệp gạo cội, chọn TP Cần Thơ là nơi “lạc nghiệp”. Ông Phạm Minh Dương, Giám đốc Nhà máy Sữa Cần Thơ, thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết: Nhà máy sữa tại Cần Thơ được đưa vào vận hành năm 2001 trên diện tích hơn 2ha. Ðây là nhà máy sữa hiện đại và có quy mô lớn nhất của Vinamilk tại khu vực ÐBSCL. Tổng số lao động làm việc tại nhà máy gần 400 người, trong đó lao động địa phương chiếm trên 90%. Năm 2022, nhà máy nộp ngân sách thành phố 253 tỉ đồng; trong 8 tháng năm 2023, nhà máy đã sản xuất trên 86.263 tấn sản phẩm, đạt 100% kế hoạch, đóng góp vào ngân sách nhà nước 98,1 tỉ đồng. Thời gian tới, Vinamilk dự kiến đầu tư gần 100 tỉ đồng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy sữa Cần Thơ nhằm đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hằng năm, Cần Thơ đóng góp khoảng 1,47% GDP cả nước, khoảng  3,24%  GRDP  của  5  thành  phố  lớn  trực thuộc Trung ương và khoảng 9,45% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 74,5 triệu đồng, gấp 7,1 lần so năm 2005; cao hơn 10,01 triệu đồng so với GDP bình quân đầu người cả nước, đứng vị trí thứ 5 so với các thành phố trực thuộc Trung ương và trong tốp đầu vùng ĐBSCL.

Là cơ quan nghiên cứu khoa học đóng trên địa bàn TP Cần Thơ từ năm 1977, Viện Lúa ÐBSCL tích cực phối hợp với ngành Nông nghiệp thành phố tham mưu, tư vấn xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương về phát triển nông nghiệp của TP Cần Thơ như kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020”, dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ (VnSAT Cần Thơ)… Viện thường xuyên tham gia hỗ trợ kỹ thuật cho dự án (VnSAT Cần Thơ), xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần; tổ chức lớp tập huấn, hội thảo và xây dựng mô hình diện rộng áp dụng “Gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến” thuộc dự án Sản phẩm quốc gia lúa gạo…

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ÐBSCL, cho biết: Trong định hướng hợp tác, nghiên cứu với TP Cần Thơ, Viện Lúa ÐBSCL sẽ tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ cho sản xuất, chế biến và dịch vụ cho ngành hàng lúa gạo và hệ thống canh tác trên nền đất lúa của TP Cần Thơ. Hợp tác tư vấn các nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan đến lĩnh vực trồng trọt và tham gia các hội đồng thẩm định, nghiệm thu và đánh giá các nhiệm vụ khoa học công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của thành phố. Ðặc biệt là triển khai thực hiện Ðề án “Xây dựng và phát triển 1 triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn liền với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030” của TP Cần Thơ.

Nằm ở vị trí trung tâm vùng ÐBSCL, Cần Thơ được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước ưu tiên lựa chọn để tạo hiệu ứng lan tỏa toàn vùng. Ðầu tháng 9-2023, đoàn doanh nghiệp Trung Quốc do Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn đã đến TP Cần Thơ để tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp thành phố nói riêng và ÐBSCL nói chung. Theo ông Trương Vĩ, Hội trưởng Hiệp hội DN Trung Quốc tại TP Hồ Chí Minh, những năm gần đây kinh tế TP Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc. Các cấp chính quyền đã hỗ trợ tích cực cho các DN nước ngoài, từ đó gia tăng sự quan tâm và tin tưởng của nhà đầu tư đối với thành phố. “Việt Nam và Trung Quốc có mối tương đồng về văn hóa, ẩm thực, vì vậy cơ hội để nông sản ÐBSCL vào thị trường Trung Quốc là rất lớn. Chúng tôi sẽ tăng cường các mối liên hệ với ngành Nông nghiệp Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL để thúc đẩy hợp tác về công nghệ chăn nuôi và chế biến; hỗ trợ kết nối, mở rộng thị trường, tích cực đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng từ Cần Thơ sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng phụ phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh” - ông Trương Vĩ nói.

***

Thành tựu TP Cần Thơ đạt được 20 năm qua là rất đáng tự hào. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế của thành phố chưa thực sự bền vững, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế. Thành phố đang đối mặt với những thách thức về môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường... Chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp, nắm bắt xu thế thời đại là vấn đề cấp bách hiện nay.

Bài 2: Hòa nhịp chuyển đổi số, vững vàng mục tiêu tăng trưởng xanh

Chia sẻ bài viết