27/09/2023 - 22:44

Cần Thơ 20 năm xây dựng và phát triển

Vị thế mới, quyết tâm cao
Bài 2: Hòa nhịp chuyển đổi số, vững vàng mục tiêu tăng trưởng xanh 

Nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, TP Cần Thơ đặt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, thành phố hòa nhịp chuyển đổi số (CĐS) trên nhiều lĩnh vực để tận dụng kịp thời những thời cơ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực tăng trưởng mới…

Bắt nhịp xu thế

Xác định CĐS là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, Cần Thơ lựa chọn 9 lĩnh vực ưu tiên thực hiện CÐS, trong đó các lĩnh vực liên quan đến kinh tế số gồm: nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, năng lượng, công nghiệp, du lịch. Theo ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023, Sở đã đưa vào vận hành ứng dụng di động Can Tho Smart cung cấp các dịch vụ và tiện ích cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố. Ứng dụng này cung cấp các dịch vụ, tiện ích theo 3 phân hệ chính gồm xã hội số, kinh tế số và chính quyền số. Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan nhà nước để làm thủ tục hành chính, phản ánh kiến nghị, đề xuất... giờ đây người dân, DN có thể tương tác trực tuyến với chính quyền và sử dụng nhiều tiện ích số chỉ thông qua ứng dụng Can Tho Smart. Ứng dụng nhằm góp phần nâng cao chỉ số hài lòng, phục vụ tốt hơn cho người dân, DN, đồng thời là một công cụ quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số của thành phố.

Góp sức trong phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: Sở triển khai cổng thông tin du lịch thông minh tại địa chỉ: canthotourism.vn và mycantho.vn; ứng dụng du lịch thông minh TP Cần Thơ trên thiết bị di động Can Tho Tourism. Cổng thông tin và ứng dụng du lịch thông minh nói trên phát huy chức năng kết nối nhà quản lý, người dân, du khách và DN; tra cứu, tìm kiếm thông tin; hỏi đáp, tiếp nhận thông tin phản hồi; đồng thời, được trang bị bản đồ số 3D, trợ lý ảo, chatbox AI… Hiện 2 nền tảng này thu hút hơn 8 triệu lượt khách truy cập, số lượng truy cập trung bình mỗi ngày khoảng 7.000 lượt.

Hiện toàn thành phố có khoảng 670 DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông, doanh thu đạt khoảng 6.718 tỉ đồng. Đến nay có 100% DN đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử và nộp thuế, kê khai thuế qua mạng; mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại nhiều chợ truyền thống tạo điều kiện để người tiêu dùng tiếp cận với các phương thức thanh toán điện tử. Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: Thực hiện các đề án, kế hoạch của Chính phủ về tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt, TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 80% người trên 15 tuổi có tài khoản và sử dụng thẻ thanh toán không dùng tiền mặt. Đến cuối tháng 8-2023, thành phố đã vượt chỉ tiêu đề ra với 82,3% người trên 15 tuổi có tài khoản và sử dụng thẻ thanh toán không dùng tiền mặt. Song với sự phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên nền tảng số, ngành Ngân hàng cần tăng cường sự thuận tiện cho người sử dụng, đảm bảo an toàn, bảo mật hệ thống. Nhất là đẩy mạnh tuyên truyền để khách hàng quan tâm bảo vệ thông tin cá nhân, hạn chế những rủi ro mất an ninh, an toàn khi thanh toán không dùng tiền mặt.

TP Cần Thơ xác định tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số thông qua thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển DN công nghệ số, hỗ trợ DN nhỏ và vừa CĐS. Để đạt mục tiêu đề ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ DN nhỏ và vừa CÐS thông qua hình thành mạng lưới tư vấn CÐS; xây dựng trang thông tin CÐS. Sở cũng kết nối với Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để được hỗ trợ xây dựng các tài liệu cũng như công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng CÐS của DN...

Thả cá để tái tạo nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường niên được triển khai rộng khắp trên địa bàn thành phố. Ảnh: MỸ THANH

Hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững

Ngày 22-9-2022, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND “Hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn TP Cần Thơ”. Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa các ngành kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu…

Trong nỗ lực xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường không thể thiếu vai trò của cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Ông Huỳnh Thanh Sử, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ có khoảng 11.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ điện bình quân khoảng 246 triệu kWh mỗi tháng. Nhu cầu tiêu thụ điện năng trong lĩnh vực này là rất lớn, song thành phố cũng có lợi thế là số giờ nắng trung bình trong năm cao (khoảng 2.500 giờ/năm). Nhằm giảm chi phí tiêu thụ điện, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng sạch, đáp ứng yêu cầu của đối tác, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ bằng cách lắp năng lượng mặt trời trên mái trụ sở, nhà xưởng của từng doanh nghiệp. Tính đến tháng 6-2023, tổng công suất điện mặt trời mái nhà của hộ gia đình và doanh nghiệp khoảng 81MW. Trong giai đoạn 2011-2015, thành phố tiết kiệm điện với sản lượng 176,5 triệu kWh và giai đoạn 2016-2020 tiết kiệm 222 triệu kWh, tăng 20,52% so với giai đoạn 2011-2015, góp phần giảm phụ tải tiêu thụ điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn.

Quá trình tăng trưởng xanh của thành phố còn gắn liền với mục tiêu tăng khả năng thích ứng của đô thị và tăng cường khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu. Theo ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA TP Cần Thơ, thành phố đã và đang triển khai dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với các công trình như cải tạo hệ thống thoát nước khu vực trung tâm quận Ninh Kiều (32 tuyến đường), xây dựng kè sông Cần Thơ (chiều dài 6,14km); xây dựng bờ kè cho rạch Cái Sơn - Mương Khai (3,6km); tuyến đường nối Cách mạng Tháng 8 với đường tỉnh 918; xây dựng các cống ngăn triều và các âu thuyền kết hợp với cống ngăn triều (rạch Cái Sơn và rạch Cái Khế), 9 cống ngăn triều trên tuyến hành lang kiểm soát ngập; cải tạo hệ thống kênh rạch nội ô (17 kênh rạch chính, chiều dài 16,35km); lắp đặt các trạm bơm, xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro ngập lụt (FRMIS). Các công trình, dự án giúp thành phố thích ứng tốt với điều kiện bất lợi về môi trường, biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và điều hành phát triển bền vững…

Thành phố tập trung đầu tư hoàn thành các trạm cấp nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch tăng lên đáng kể, từ 55,68% năm 2011 tăng lên 94,33% năm 2020 và ước đạt 96,22% vào năm 2023, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Cơ sở hạ tầng về quản lý môi trường nước thải tại các khu công nghiệp ngày càng được chú trọng và hoàn thiện, đến nay có 4 khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung và được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục.

Năm 2017, Cần Thơ đã nhận được chứng chỉ ASEAN thành phố có tiềm năng trở thành thành phố bền vững môi trường về lĩnh vực không khí sạch. Năm 2021, Cần Thơ được vinh dự nhận Giải thưởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường; đã xuất sắc cùng 74 thành phố khác trên toàn cầu lọt vào vòng chung kết cho danh hiệu thành phố xanh toàn cầu - Global OPCC. Đồng thời thành phố cũng tham gia chiến dịch “We Love City” nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của người dân cho sứ mệnh xây dựng một tương lai xanh và bền vững.

*   *   *

Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh chóng đã và đang tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng, định hình không gian phát triển. Do đó, để trở thành trung tâm động lực phát triển, là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ cần đề ra định hướng phát triển không gian hợp lý, kết hợp sử dụng hài hòa các nguồn lực để đạt được mục tiêu phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

MINH HUYỀN - MỸ THANH

Bài 3: Mở rộng không gian phát triển

Chia sẻ bài viết