02/09/2013 - 21:00

Vì sao nông dân ngại GAP?

Với định hướng hình thành vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng cao, an toàn phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, những năm qua, TP Cần Thơ đã tích cực vận động, hỗ trợ nông dân trên địa bàn sản xuất theo định hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt). Thế nhưng, sau khoảng thời gian khá dài ứng dụng vào thực tế, sản xuất theo quy trình GAP tại TP Cần Thơ đã bộc lộ không ít khó khăn khiến một số nông dân dần quay lưng với quy trình sản xuất này...

Đâu là cản ngại?

 Giá bán sản phẩm GAP thường bị “cào bằng” với sản phẩm sản xuất theo lối thông thường là một trong những nguyên nhân khiến nông dân không “mặn mà” với quy trình sản xuất này. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ.

Năm 2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Quyết định số 379/QĐ-BNN-KHCN về "Quy trình sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi an toàn tại Việt Nam" (VietGAP-Vietnamese Good Agricultural Practices). Từ nền tảng này, TP Cần Thơ chủ động tổ chức sản xuất theo hướng GAP trên những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố như: rau quả, lúa, thủy sản... Thế nhưng, công tác triển khai ứng dụng GAP vào sản xuất tại TP Cần Thơ gặp nhiều cản ngại và chưa đạt được kết quả như mong đợi. Ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, cho biết: "Huyện định hướng cho nông dân sản xuất rau màu, thủy sản theo hướng GAP. Tuy nhiên thực tế, nông dân vẫn chưa có niềm tin sản xuất theo GAP sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cách làm thông thường. Hơn nữa, nhu cầu thị trường về sản phẩm sạch, an toàn chưa cao nên người sản xuất lẫn nhà phân phối chưa có động lực trong việc đầu tư sản xuất theo GAP...".

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, cả nước nói chung và ở TP Cần Thơ nói riêng, Nhà nước chỉ khuyến khích, định hướng nông dân sản xuất theo quy trình GAP nhưng chưa có chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể. Đặc biệt, Nhà nước vẫn chưa thể hiện được vai trò "cầu nối" tổ chức được thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nông dân buộc phải bán sản phẩm GAP ở các chợ truyền thống với giá như sản phẩm thường. Ông Huỳnh Văn Tâm, nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, nói: "Trồng rau theo VietGAP, chúng tôi phải gò mình vào khuôn khổ - ghi chép nhật ký sản xuất, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật IPM, nguyên tắc "4 đúng"… rất tốn công sức. Nhưng, kết quả giá bán rau sản xuất theo VietGAP vẫn bằng giá bán rau trồng theo kiểu truyền thống". Theo ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, mặc dù đã thấy được những thuận lợi căn bản, song nông dân vẫn chưa thực sự an tâm về giá sản phẩm VietGAP. Sự chênh lệch giữa sản phẩm lúa sản xuất lúa theo VietGAP so với sản xuất lúa hàng hóa bình thường bị "cào bằng" hoặc chênh lệch không đáng kể. Điều này không những không tạo được sức hút cho các nông dân lân cận mà còn làm nông dân tham gia quy trình nản chí…

Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, chi phí đầu tư chứng nhận và tái chứng nhận GAP cũng là yếu tố khiến nông dân ngán ngại. "Tâm lý nông dân luôn muốn hạ chi phí đầu tư về mức thấp nhất trong khi sản xuất theo các tiêu chuẩn, giá thành sản xuất lại đội lên. Điển hình, ở lĩnh vực thủy sản, chỉ tính riêng chi phí chứng nhận GlobalGAP khoảng 5.000 USD và tái chứng nhận là khoảng 3.000 USD. Đây là một "gánh nặng" không nhỏ đối với nông dân" – ông Hải nói. Vì vậy, các mô hình áp dụng GAP lâu nay ở vùng ĐBSCL đều thực hiện thông qua sự tài trợ kinh phí. Khi nguồn tài trợ không còn, nông dân không đủ kinh phí để tiến hành kiểm tra, tái công nhận...

Cần quyết liệt hơn

Theo ông Trần Thái Nghiêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, để các quy trình GAP đi vào thực tế sản xuất, vai trò quản lý Nhà nước là mấu chốt. Các bộ, ngành hữu quan cần đề ra cơ chế, chính sách để quản lý, phân biệt giữa sản phẩm GAP và sản phẩm thường. Nếu làm được điều này, hành vi sản xuất của nông dân sẽ từng bước thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tài trợ, hỗ trợ ban đầu cho nông dân áp dụng GAP là cần thiết. Tuy nhiên, để quy trình GAP thực hiện bền vững, vấn đề cốt lõi là phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, phải quy hoạch vùng sản xuất áp dụng GAP tập trung, có sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp để sản phẩm thỏa mãn yêu cầu và hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên kết để tạo thành đầu mối cung cấp sản phẩm GAP, kết nối với nhau để đàm phán trong ký kết hợp đồng với đối tác, tạo ra đột phá về giá bán…

Để sản xuất theo quy trình GAP được triển khai trên diện rộng, ngoài việc phát huy vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân cũng cần được quan tâm. "Bà con cũng cần phải nhận thức rằng muốn nâng cao giá trị và lợi nhuận, phải tiến hành sản xuất ra hàng hóa an toàn và đường đi đến đó là sản xuất theo quy trình GAP. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững và đời sống, thu nhập từng bước được cải thiện. Mỗi nông dân cần có ý thức ghi chép nhật ký sản xuất, mỗi cánh đồng, mỗi khu vườn phải sản xuất theo quy trình GAP kết hợp lại thành những vùng nguyên liệu lớn thì trong nhiều năm tới mới hy vọng nâng cao chuỗi giá trị nông sản", ông Lê Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Cây lương thực – Cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, bày tỏ.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, với định hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, ngành nông nghiệp thành phố xác định sản xuất nông nghiệp theo quy trình GAP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiến tới hình thành vùng nguyên liệu quy mô lớn, chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Hơn nữa, đây còn là yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế. Bởi VietGAP không chỉ thỏa mãn nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn làm tăng giá trị sản phẩm nông sản, tạo thế cạnh tranh, điều kiện thuận lợi để nông sản Việt Nam xâm nhập thị trường thế giới. "Để VietGAP thực sự mang lại hiệu quả, vai trò của Nhà nước phải được phát huy cao độ và mối liên kết "4 nhà" phải thắt chặt hơn. Có như vậy, quy trình VietGAP mới thực sự mang lại lợi ích cho cả người sản xuất, nhà phân phối lẫn người tiêu dùng...", bà Nguyễn Thị Kiều cho biết.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết