26/12/2019 - 14:13

Vì sao nhiều trẻ em Nhật ngại đến trường? 

Tại Nhật Bản, ngày càng nhiều trẻ em ngại đến trường - hay còn gọi là “futoko”, hiện tượng học sinh không đến lớp trong ít nhất 30 ngày vì những lý do không liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính.

Trẻ em Nhật trong một giờ lên lớp. Ảnh: BBC

Theo một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, hoàn cảnh gia đình, các vấn đề cá nhân với bạn bè, bị bắt nạt, không hòa đồng với bạn bè hoặc đôi khi với giáo viên là những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng đáng ngại trên.

Nở rộ phong trào trường học tự do

Yuta Ito là trường hợp điển hình. Cậu bé 10 tuổi này thú nhận với cha mẹ rằng không còn muốn đi học nữa. Cậu nói rằng đã phải miễn cưỡng đi học, bởi thường xuyên bị các bạn cùng lớp bắt nạt. Cha mẹ Yuta sau đó đưa ra 3 phương án, gồm đưa cậu đến tư vấn học đường với hy vọng mọi thứ sẽ được cải thiện, cho học tại nhà hoặc gửi cậu đến một trường tự do. Cuối cùng, họ đã chọn phương án thứ 3. Giờ đây, Yuta dành thời gian đi học để làm bất cứ điều gì mình muốn. Do đó, cậu trở nên vui vẻ hơn nhiều.

Futoko được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, như vắng mặt trong lớp, trốn học, ám ảnh học đường và ngại đến trường. Thái độ đối với futoko đã dần thay đổi theo thời gian. Năm 1992, việc ngại đến trường, hay còn được gọi là tokokyoshi, được xem là một loại bệnh tâm thần. Nhưng đến năm 1997, thuật ngữ này được đổi thành futoko có tính trung lập hơn. Chính phủ Nhật Bản cho biết, số học sinh tiểu học và trung học cơ sở không đến trường đạt mức kỷ lục, với 164.528 trẻ vắng mặt trong lớp từ 30 ngày trở lên trong năm 2018, tăng nhiều so với con số 144.031 trẻ vào năm 2017.

Để đáp ứng hiện tượng futoko ngày càng tăng, phong trào trường học tự do bắt đầu nở rộ ở Nhật Bản từ những năm 1980. Đây thường là những trường hoạt động theo nguyên tắc tự do và cá nhân nhưng sẽ không cấp cho trẻ chứng nhận. Chẳng hạn như tại trường Tamagawa, học sinh không phải mặc đồng phục và tự do tham gia các hoạt động dựa trên kế hoạch được cả nhà trường, gia đình và học sinh đồng ý. Học sinh tại đây còn được khuyến khích phát huy kỹ năng cá nhân cũng như theo đuổi đam mê của mình. Theo BBC, lượng học sinh theo học tại các trường tự do tăng mạnh trong những năm qua, từ 7.424 trẻ năm 1992 lên 20.346 trẻ năm 2017.

Hậu quả khôn lường

Tình trạng bỏ học có thể gây ra hậu quả lâu dài, khiến người trẻ Nhật có nguy cơ lẫn tránh xã hội và tự nhốt mình trong phòng - hiện tượng được gọi là hikikomori. Hiện có ít nhất nửa triệu nam thanh niên được cho xa lánh xã hội. Gia đình của họ thường không hiểu lý do, nhưng có một tổ chức đang cung cấp dịch vụ “chị (em) gái cho thuê” nhằm hỗ trợ đối tượng này thoát khỏi sự cô lập. Đáng lo ngại hơn, một ước tính cho thấy số vụ tự tử ở trường học năm 2018 là 332 ca, cao nhất trong vòng 30 năm qua. Năm 2016, số ca học sinh tự tử báo động đến nỗi Chính phủ Nhật Bản phải thông qua đạo luật ngăn chặn tình trạng tự tử, với các khuyến nghị đặc biệt dành cho các trường học.

Một số trường học ở Nhật Bản kiểm soát mọi khía cạnh về ngoại hình của học sinh, buộc học sinh nhuộm tóc nâu thành tóc đen, không cho học sinh mặc đồ bó sát. Một số trường thậm chí còn quy định màu quần lót của học sinh. Do đó, làn sóng chỉ trích “những quy tắc trường học ngầm” này cũng như môi trường học đường quá nghiêm khắc tại xứ phù tang đang có chiều hướng gia tăng. Trong một chuyên mục gần đây, tờ Tokyo Shimbun xem những quy tắc này là vi phạm nhân quyền và trở thành trở ngại đối với học sinh. Hồi tháng 8, chiến dịch mang tên “Hãy loại bỏ các quy tắc trường học ngầm” đã gửi đơn kiến nghị trực tuyến với 60.000 chữ ký tới Bộ Giáo dục Nhật Bản, trong đó yêu cầu điều tra các quy tắc trường học vô lý.

Tuy nhiên, theo giáo sư Ryo Uchida - chuyên gia giáo dục của Đại học Nagoya, một thách thức lớn mà học sinh Nhật phải đối mặt là sĩ số lớp khá đông, khoảng 40 học sinh/lớp và điều này dễ phát sinh va chạm. Trong khi đó, có nhiều học sinh cảm thấy không thích ứng với môi trường đông đúc bạn bè và học tập cùng nhau qua nhiều năm liền trong không gian chật hẹp. Vấn đề khó khăn ở chỗ, tình bạn học chung lớp được coi là yếu tố quan trọng cho sự tồn tại của cuộc sống ở đất nước có mật độ dân số cao. Nếu học sinh không hòa đồng và hợp tác với nhau thì họ khó tồn tại. Điều đó không chỉ áp dụng trong trường học mà còn trong giao thông công cộng và các không gian chung khác vốn luôn đông đúc. 

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết