22/03/2013 - 21:18

Vì sao Nga là đối tác ưu tiên của Trung Quốc?

Tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22-3 đã bắt đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên tại Nga, qua đó tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại của Bắc Kinh xem Mát-xcơ-va là đối tác ưu tiên số một, dù hai bên chưa phải là liên minh hay đối tác kinh tế hàng đầu của nhau.


 Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân Bành Lệ Viên thực hiện chuyến công du nước ngoài lần đầu tiên tại Nga. Ảnh: AP

Giáo sư Yakov Berger thuộc Học viện Viễn Đông của Nga cho rằng chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc đều mang ý nghĩa biểu tượng ngoại giao rất quan trọng. Ông Hồ Cẩm Đào cũng đã chọn Nga làm điểm đến nước ngoài đầu tiên khi được bầu làm Chủ tịch Trung Quốc năm 2003. Theo nhà phân tích Berger, đặc trưng của mối quan hệ Nga-Trung là sự gắn kết nhiều lợi ích cốt lõi quốc gia chung và không còn tồn tại bất kỳ sự mâu thuẫn nghiêm trọng nào, kể cả biên giới. Hai nước chia sẻ đường biên giới dài này đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu, cùng phối hợp và hợp tác để thúc đẩy việc hình thành một trật tự thế giới cân bằng hơn. "Mối quan hệ giữa hai nước không theo đuổi những lợi ích ích kỷ và lợi thế chiến thuật ngắn hạn mà dựa trên sự thông hiểu sâu sắc các lợi ích căn bản của nhau. Đây là mối quan hệ đặc biệt và vô song"- ông Berger đánh giá.

Hồi đầu tháng 3, khi còn trên cương vị Ngoại trưởng Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cho biết Nga và Trung Quốc là hai nước láng giềng lớn nhất của nhau, bên này xem bên kia là chỗ dựa phát triển quan trọng và là đối tác được ưu thích nhất. Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố chuyến công du này sẽ có tác động mạnh mẽ đến mục tiêu xây dựng đối tác chiến lược song phương toàn diện giữa hai nước. Trong cuộc điện đàm chúc mừng tân Chủ tịch Trung Quốc mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh mối quan hệ Nga-Trung đang trong giai đoạn "tốt nhất trong lịch sử có bề dày hàng thế kỷ" và là nhân tố lớn đóng góp cho nền hòa bình và ổn định của thế giới. Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Itar-Tass ngay trước chuyến thăm Nga của Tập Cận Bình, ông Putin cho hay kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng hơn gấp đôi trong 5 năm qua và đạt 87,5 tỉ USD hồi năm ngoái.

Theo hãng tin Reuters, Nga và Trung Quốc lần lượt là nhà sản xuất và tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, đang muốn thúc đẩy tầm ảnh hưởng chung như là một đối trọng tài chính và địa chính trị với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Trung Quốc cần nguồn năng lượng của Nga trong nỗ lực vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới "triều đại" 10 năm tới của Tập Cận Bình. Hợp tác đầu tư và buôn bán năng lượng (dầu khí, than đá, hạt nhân) là lĩnh vực then chốt trong quan hệ giữa hai nước, bên cạnh khoa học, điện tử, sinh học, không gian, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Cả ông Putin và Tập Cận Bình đều khẳng định Nga và Trung Quốc là đối tác chiến lược thật sự của nhau, nhưng có ý kiến cho rằng hai quốc gia không phải là đồng minh này chủ yếu gắn kết vì lợi ích chiến thuật hơn là chiến lược. Nga rất dè chừng Trung Quốc không chỉ vì dân số cao hơn gấp 10 lần, sự trỗi dậy trên lĩnh vực kinh tế mà còn bởi khả năng quân sự (khả năng phòng không và tàu ngầm hạt nhân) trước vùng Viễn Đông. Trong khi đó, như nhận định của Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Carnegie tại Mát-xcơ-va, Trung Quốc đã gặt hái thành công lớn khi dựa lưng Nga làm lợi thế riêng cho mình, tốt hơn những gì người Mỹ đã làm với Nga. Trung Quốc muốn sử dụng "gấu Nga" để thị uy chiến lược "xoay trục châu Á" của Mỹ và cảnh báo Nhật Bản, nước cũng tranh chấp với Nga, về vấn đề chủ quyền hải đảo.

ĐỨC TRUNG (Theo Xinhua, Chinadaily, Reuters)

Chia sẻ bài viết