11/03/2012 - 19:46

Vì sao Mỹ không nên thúc đẩy chiến tranh ở Syrie?

Đó là câu hỏi do hãng tin Mỹ CNN đặt ra trong bài viết của Wesley Clark đăng trên trang thông tin trực tuyến của hãng này hôm 8-3 vừa qua nhằm khuyến cáo giới cầm quyền Mỹ trong vấn đề Syrie.

Wesley Clark viết: “Khi quy mô cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syrie đang lớn dần, đã có những lời kêu gọi cần có sự can thiệp quân sự. Dường như mọi yếu tố, từ cuộc xung đột quân sự giữa các lực lượng trung thành với chính quyền đương nhiệm với phe nổi dậy, cho tới tình trạng khủng hoảng nhân đạo, đều cho thấy có thể áp dụng “kịch bản Libye” cho Syrie. Nhưng hình như “Mô hình Libye” sẽ không cứu được Syrie”. Trước tiên, theo Wesley Clark, hãy xem xét một số vấn đề sau:

Một cuộc biểu tình ở Mỹ đòi giới cầm quyền Mỹ không can thiệp vào Syrie. Ảnh: fightbacknews 

Thứ nhất, Mỹ vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tại Iraq sau 8 năm rưỡi, tiêu tốn hơn 1.000 tỉ USD và khoảng 5.000 binh sĩ thiệt mạng, nhưng Iraq vẫn còn là một bãi chiến trường cho những cuộc đấu đá giữa các phe phái chính trị và bạo lực liên quan đến giáo phái.

Thứ hai, tác động của cái gọi là “Mùa xuân A-rập” tại các quốc gia trỗi dậy cuộc cách mạng đòi dân chủ kiểu phương Tây như Tunisie, Ai Cập và Libye. Sự nổi lên nắm quyền của các thế lực Hồi giáo, trong đó có cả những tổ chức chống Mỹ và phương Tây như Huynh đệ Hồi giáo chẳng hạn, tại các quốc gia này rõ ràng nằm ngoài những suy tính của giới cầm quyền Mỹ.

“Vậy thì chúng ta (Mỹ) có dám chắc một khi Tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, Syrie sẽ không theo con đường của Iraq, Ai Cập hay Libye?”- Wesley Clark đặt câu hỏi. Ông còn nêu ra nhiều câu hỏi khác để cho thấy vì sao Mỹ không nên thúc đẩy chiến tranh ở Syrie.

Clark viết: “Đối với trường hợp Syrie, trước hết chúng ta phải đặt câu hỏi những lợi ích quốc gia đang bị đe dọa của Mỹ là đâu? Mục đích của chúng ta là gì? Khi đó, sử dụng vũ lực như thế nào để đạt được mục đích đó? Cần có bao nhiêu lực lượng? Áp dụng ra sao? Tốn kém bao nhiêu? Và chúng ta mong chờ một nhà nước như thế nào sau cuộc chiến? Dựa trên những cơ sở nào của luật pháp quốc tế cho phép chúng ta thực hiện những hành động quân sự như thế? Những đồng minh nào giúp chúng ta? Và khi tất cả mọi thứ đã vạch ra và được hoàn thành, chúng ta có thực sự đạt được những gì chúng ta muốn, cùng với những tốn kém và rủi ro có tương xứng với những lợi ích của nước Mỹ?”.

EU bác bỏ hành động can thiệp quân sự vào Syrie

Ngày 10-3, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ mọi hành động can thiệp quân sự vào Syrie, ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời tái khẳng định quan điểm Tổng thống Syrie Bashar al-Assad phải chấm dứt bạo lực. Phát biểu tại cuộc họp kín không chính thức kéo dài hai ngày, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe khẳng định: “Syrie không phải là Libye... Điều khiến chúng tôi quan ngại nhất là nguy cơ nội chiến giữa các phe phái tại Syrie, và nếu nguy cơ này thực sự xảy ra, trách nhiệm nặng nề sẽ thuộc về chính quyền Syrie”.

P.V (TTXVN)

Theo Clark, tương tự như trường hợp của Libye, Mỹ cũng có những lợi ích chiến lược tại Syrie nhưng họ sẽ phải đối mặt với đội quân hùng mạnh và trung thành với Tổng thống al-Assad. Giới cầm quyền Mỹ tuyên bố “muốn chấm dứt tình trạng bạo lực và cứu giúp người dân Syrie”, nhưng “kịch bản Libye” vẫn khó có thể áp dụng ở Syrie. Cho đến nay vẫn chưa có một chỉ thị quốc tế, thậm chí từ phía Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm mở đường cho hành động can thiệp quân sự vào Syrie. Các phương thức can thiệp đã được vạch ra, tuy nhiên nó có vẻ giống như một hành động khiến cho tình trạng bạo lực gia tăng hơn là giảm xuống. “Và ai sẽ có mặt trên bầu trời, ai sẽ dưới mặt đất để ứng cứu? Chính phủ mới được hình thành như thế nào? Syrie sẽ được kiểm soát ra sao cho đến thời điểm đó?”-Clark thật sự lo lắng.

THANH DƯƠNG (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết