Những năm qua, giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam liên tục tăng và rau quả của nước ta đã có mặt tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với việc gia tăng diện tích trồng rau quả, nâng cao năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm và đẩy mạnh các hoạt động đàm phán, mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, rau quả Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội để gia tăng xuất khẩu.
![Tiềm năng phát triển xuất khẩu rau quả](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250211/images/T8-a1.webp)
Sơ chế trái thanh nhãn tại Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Sông Hậu ở huyện Cờ Ðỏ, TP Cần Thơ.
Kết quả tích cực
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi về khí hậu và thổ nhưỡng để phát triển sản xuất đa dạng nhiều loại rau quả phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với việc tăng diện tích trồng, những năm gần đây các địa phương trong cả nước sản xuất được một lượng rau quả rất lớn, với sản lượng đạt trên 30 triệu tấn/năm, bao gồm trái cây và các loại rau củ quả. Ðáng chú ý, diện tích cây ăn trái trồng mới tại nhiều địa phương trong nước đã liên tục tăng, đặc biệt là với các loại cây có điều kiện xuất khẩu tốt. Hiện cả nước đã có hơn 1,26 triệu héc-ta cây ăn trái, trong đó ÐBSCL là vùng có diện tích lớn nhất, chiếm gần 32% diện tích cả nước, kế đến là vùng trung du miền núi phía Bắc chiếm 21,4% diện tích cả nước. Sản lượng các loại trái cây cũng đã tăng khá mạnh so với những năm trước và hiện đạt hơn 13,887 triệu tấn/năm. Qua đó, giúp đáp ứng khá tốt nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời tạo ra một lượng hàng hóa lớn và đa dạng chủng loại phục vụ cho xuất khẩu.
Giá trị xuất khẩu rau quả của nước ta đã bắt đầu vượt mốc 1 tỉ USD từ năm 2013 và đã liên tục có xu hướng tăng trong những năm sau đó. Năm 2024, xuất khẩu trái cây và các loại rau củ quả của Việt Nam ra thị trường quốc tế đạt mức cao kỷ lục, với kim ngạch đạt hơn 7,1 tỉ USD, tăng hơn 27% so với năm trước. Năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây và các loại rau củ quả của nước ta dự kiến đạt 8 tỉ USD, trong đó Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, đến nay nước ta đã đàm phán và mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và trái cây tươi xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Trong đó, thị trường Trung Quốc đã mở cửa cho xuất khẩu chính ngạch đối với trái thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng, ớt, thạch đen, khoai lang, dừa và sầu riêng đông lạnh. Còn thị trường Hoa Kỳ gồm có thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, vú sữa, xoài và bưởi…
Xuất khẩu rau quả của nước ta đã liên tục tăng trong những năm qua không chỉ nhờ gia tăng diện tích sản xuất và sản lượng mà giá trị xuất khẩu nhiều sản phẩm cũng tăng nhờ nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm. Rau quả của nước ta cũng được xuất khẩu với giá cao vào nhiều thị trường khó tính, đồng thời năng lực bảo quản, chế biến sản phẩm được tăng cường, giúp ngày càng đa dạng hóa các sản phẩm chế biến mang lại giá trị gia tăng cao. Theo ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch II, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT, trong 10 năm (từ 2014-2024), xuất khẩu rau quả của nước ta đã tăng gấp 5,5 lần, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 15%/năm.
Tận dụng tốt các cơ hội gia tăng xuất khẩu
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và cơ quan chức năng, ngành rau quả của nước ta còn nhiều tiềm năng và cơ hội để gia tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới nhờ thị trường xuất khẩu được mở rộng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho rau quả sang các thị trường quốc tế được các cấp, các ngành, hiệp hội ngành hàng quan tâm đẩy mạnh. Số lượng rau quả được xuất khẩu chính ngạch ngày càng tăng. Ðặc biệt, với 16 hiệp định thương mại tư do (FTA) thế hệ mới đã được Việt Nam ký kết với các quốc gia và đối tác trên thế giới, ngành rau quả nước ta có nhiều cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng. Vấn đề được đặt ra là nước ta cần quan tâm nắm bắt tốt cơ hội và kịp thời khắc phục các khó khăn và hạn chế để có thể phát triển xuất khẩu bền vững và nâng cao được giá trị gia tăng cho toàn chuỗi ngành hàng.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, rau quả là ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, hiện rau quả của nước ta đã có mặt trên hơn 60 thị trường trên thế giới. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, nước ta đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu khẩu trái cây hàng đầu thế giới. Việt Nam có thể tự tin là nước cung cấp dồi dào các loại rau quả ngon, chất lượng cho thế giới. Ðiều này cho thấy tiềm năng to lớn, trình độ và năng lực phát triển mạnh mẽ của ngành rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo vệ thành quả, giữ được sự ổn định của chuỗi cung ứng và tiếp tục phát triển nhanh hơn, ngành rau quả cần quan tâm khắc phục ngay các hạn chế về việc đảm bảo sự ổn định về chất lượng và an toàn của sản phẩm. Chú ý ứng dụng các công nghệ sau thu hoạch để giảm tổn thất và tăng giá trị. Nâng cao năng lực tuân thủ các quy định của các doanh nghiệp khi đưa rau quả đi tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu. Nâng cao tinh thần đoàn kết, hợp tác, chia sẻ, cùng làm, cùng hưởng, xây dựng mối liên kết bền vững, đi cùng nhau để đi được xa hơn. Ông Bình kiến nghị: “Tới đây, Chính phủ và Bộ NN&PTNT, cùng các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm hoàn thiện các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho ngành rau quả phát triển mạnh hơn. Ðẩy mạnh đàm phán để nhiều mặt hàng rau quả khác của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn truyền thống và thúc đẩy mở rộng thêm thị trường mới. Tiếp tục hỗ trợ người sản xuất xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số để tăng năng lực xuất khẩu của ngành rau quả. Xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia đối với các loại rau quả xuất khẩu chủ lực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm, bảo vệ người sản xuất kinh doanh hợp pháp và chân chính”.
Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nước ta có 150 nhà máy chế biến trái cây và rau quả có dây chuyền công nghệ hiện đại và khoảng 7.500 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, hiện mới đáp ứng nhu cầu chế biến cho khoảng 10-17% sản lượng rau quả/năm, số còn lại chủ yếu tiêu thụ dạng tươi và sơ chế, bảo quản với công nghệ còn thô sơ. Tổn thất sau thu hoạch còn quá cao, do vậy cần tăng cường năng lực bảo quản và chế biến để giảm tổn thất và nâng cao giá trị sản phẩm.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG