12/02/2025 - 08:28

Bán vé số trên vùng biển Tây Nam 

Không chỉ ở đất liền mà tại các đảo xa trên vùng biển Tây Nam như Hải Tặc, Thổ Chu, Nam Du.… cũng có những người bán vé số. Bán vé số ở đảo ít cạnh tranh hơn trong đất liền nhưng người bán phải có“tuyệt chiêu chống ế”.

Người bán vé số ở các đảo trên biển Tây Nam chủ yếu bán cho du khách.

Gần 10 năm qua, khoảng 15 giờ hằng ngày, chị Nguyễn Thị Kim Ngân, bán vé số trên đảo Hòn Đốc còn gọi Hòn Tre lớn (thuộc quần đảo Hải Tặc, xã Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang), lại đến cầu cảng đón chuyến tàu từ TP Hà Tiên ra đảo để lấy vé số. Trên đảo không có đại lý nên xấp vé số được đại lý trong đất liền gói lại gửi ra. Khi nhận vé số, chị Ngân trả sẽ 10.000 tiền phí gửi tàu và cũng gửi tiền để tàu vận chuyển vào trả cho đại lý. Ngày thường chị Ngân lấy 200 tờ, cuối tuần chị lấy 260 tờ và dịp lễ Tết chị lấy 300 tờ vé số mỗi ngày. “Ở đảo đi bán vé số cũng như trong đất liền nhưng phải chạy xe máy, tới điểm bán thì để xe đi bộ mời người mua. Trên đảo không lo mất xe và bán cũng dễ hơn, khoảng 11-12 giờ, tôi đã bán hết lượng vé số lấy chiều hôm trước. Bà con trên đảo mua ít nên chủ yếu tôi bán cho khách du lịch. Mỗi tờ chỉ lời 1.000 đồng nhưng có lúc gặp đoàn khách du lịch là bán hết 200 tờ luôn” - chị Ngân chia sẻ.

Theo người dân trên các đảo tại vùng biển Tây Nam, du lịch phát triển, việc bán vé số phát triển theo. Những chuyến tàu chở khách ra vào thường xuyên đã mang vé số từ đất liền ra đảo. Tuy dân số trên các đảo không đông nhưng lượng du khách đến khá nhiều nên việc bán vé số thuận lợi. Điển hình như trên đảo Hòn Tre lớn, khoảng năm 2010 chỉ có 1-2 người bán vé số thì hiện nay là 7 người. Giá vé số vẫn được bán ở mức liêm yết 10.000 đồng/tờ như trong đất liền. Chị Đỗ Tuyết Hương, bán vé số trên đảo Hòn Tre lớn, cho biết: “Mỗi ngày khoảng 7 giờ tôi đi bán. Những hôm gặp lúc tàu cao tốc vừa cập bến, gặp ngay đoàn khách du lịch “chịu chi” là tôi bán hết luôn”.

Tuy nhiên, theo chị Hương, những ngày khách du lịch ít thì chị phải bán đến chiều mới hết vé số. Cũng có ít lần gần tới giờ xổ số nhưng chị vẫn chưa bán hết, nhưng điều này không đáng lo bởi bà con trên đảo sống gắn bó nhiều năm với nhau nên họ sẵn lòng mua giúp. Người nào không có tiền trả ngay thì chị Hương dùng “tuyệt chiêu” bán thiếu. Vì vậy, vé số trên đảo Hòn Tre lớn không thể trả lại cho đại lý nhưng người bán chưa bao giờ phải “ôm” vé số.

Tại đảo xa đất liền nhất trên vùng biển Tây Nam là Thổ Chu cũng có một số người bán vé số. Hiện Thổ Chu chưa có tàu ra vào đất liền hằng ngày mà cứ 2-3 ngày mới có chuyến tàu ra vào đảo. Trên đảo đang có hơn 500 hộ dân sinh sống, du lịch cũng chưa phát triển nên mưu sinh bằng việc bán vé số có phần khó hơn so với các đảo Nam Du, Hải Tặc, Phú Quốc. Tuy nhiên, tại đây đang có 1 đại lý lấy vé số từ đất liền ra cung cấp cho người bán nên có thể trả vé thừa. Chị Nguyễn Thị Phương Sinh, bán vé số trên đảo Thổ Chu 4 năm qua, cho biết: “Tàu bè xa xôi nên vé số đại lý để lại cho người bán dạo 10.000 đồng/tờ, chị em đi bán như chúng tôi thống nhất bán giá 12.000 đồng/tờ. Mỗi ngày tôi chỉ lấy 150 tờ, gặp khách đoàn thì bán hết sớm, có khi bán tới 2-3 giờ chiều mới xong. Bán hết thì lời được 300.000 đồng, ế phải mang trả lại sớm chứ trễ đại lý không nhận”.

Gần đây, điều kiện đi lại có phần thuận lợi hơn, du khách đến với quần đảo Hải Tặc, Nam Du hay Thổ Chu ngày càng nhiều hơn. Từ đó, việc bán vé số cũng có điều kiện phát triển và giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.l

   Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

 

Chia sẻ bài viết