29/03/2009 - 08:45

Vì sao IAEA không bầu được lãnh đạo mới?

Hai “đối thủ” Amano (phải) và Minty. Ảnh: AP

Ban Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) trong hai ngày 26 và 27-3 đã không chọn được người thay thế Tổng Giám đốc Mohamed ElBaradei, sẽ mãn nhiệm vào tháng 11 tới. Cả hai ứng viên là Đại sứ Nhật Bản tại IAEA Yukiya Amano và người đồng cấp Nam Phi Abdul Samal Minty đều không giành đủ 2/3 số phiếu ủng hộ cần thiết để trở thành tân lãnh đạo của tổ chức này. Thật ra, kết quả trên không làm người ta bất ngờ, bởi từ khi được thành lập năm 1957 tới nay, trong số 4 nhà lãnh đạo IAEA chỉ có một người giành chiến thắng ngay từ vòng đầu. Trong 4 tuần tới, các nước thành viên IAEA sẽ đề cử (hoặc tái đề cử) ứng viên và cuộc bỏ phiếu vòng hai sẽ được tiến hành vào tháng 5.

Hai ông Amano, 61 tuổi, và Minty, 69 tuổi, có quan điểm khác biệt nhau về vai trò hiện tại của IAEA, tổ chức gồm 144 quốc gia thành viên và được giao hai nhiệm vụ chính, đó là (1) ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và (2) khuyến khích việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ông Amano chủ trương tập trung vào việc không phổ biến vũ khí hạt nhân (có thể do bị tác động từ việc Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề khi Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki hồi cuối Thế chiến thứ hai). Trong khi đó, ông Minty lại nhấn mạnh đến việc chuyển giao công nghệ phát triển năng lượng hạt nhân cho các nước đang phát triển. Do vậy, cũng dễ hiểu khi ông Amano giành được sự ủng hộ của các nước phát triển (nhất là các cường quốc hạt nhân), còn đa số các nước đang phát triển hậu thuẫn ông Minty.

Mặt khác, Mỹ và các đồng minh như Canada, Liên minh châu Âu (EU), Israel... lo ngại quan hệ gần gũi giữa Nam Phi và Iran có thể khiến ông Minty nhẹ tay với Tehran xung quanh chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Còn nhớ hồi năm 2006, khi IAEA quyết định báo cáo vấn đề hạt nhân của Iran lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nam Phi là một trong 5 quốc gia bỏ phiếu trống.

Tiến sĩ ElBaradei (người Ai Cập) làm Tổng Giám đốc IAEA từ năm 1997 và có nhiều đóng góp cho tổ chức này. Năm 2005, ông cùng IAEA được trao giải Nobel Hòa bình. Trong năm đó, Mỹ đã không thành công trong việc cản trở ông ra tranh cử nhiệm kỳ ba, do ông không ít lần “phê bình” chính sách của Washington đối với Iraq và Iran. Phương Tây cũng chỉ trích ông ElBaradei là quá dễ dãi với Tehran. Họ ủng hộ ông Amano vì lo ngại nếu đắc cử, ông Minty sẽ là một ElBaradei thứ hai.

Có thể nói, việc IAEA không bầu được tổng giám đốc mới cho thấy sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước phát triển và đang phát triển về quyền được tiếp cận công nghệ hạt nhân. Mâu thuẫn này có lẽ sẽ chưa được giải quyết một khi các cường quốc còn tiếp tục cho rằng sở hữu công nghệ hạt nhân là đặc quyền của riêng mình.

LÊ DÂN (Theo Reuters, AP)

Hai “đối thủ” Amano (phải) và Minty. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết