22/05/2010 - 13:21

Vì sao giám đốc tình báo quốc gia Mỹ từ chức?

Dennis Blair nói lời chia tay DNI.
Ảnh: Reuters

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) Dennis Blair ngày 20-5 đã thông báo chuyện ông từ chức. Ông “vua” tình báo Mỹ nói rằng ông lấy làm tiếc khi đưa ra quyết định này, nhưng đó là một lựa chọn cần thiết bởi ông cảm thấy mệt mỏi, không thể tiếp tục đảm đương công việc. Vị cựu Đô đốc hải quân 4 sao này năm nay đã 64 tuổi, nhưng nắm quyền điều hành hệ thống giám sát 16 cơ quan tình báo trực thuộc chưa tròn 16 tháng.

Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi ông Blair là người đã có những đóng góp ấn tượng cho nước Mỹ, mà nhờ đó cộng đồng tình báo hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nước này phải đối phó với những thách thức an ninh lớn. Tuy nhiên, báo chí Mỹ cho biết chính ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần thúc ép ông Blair từ chức sau một loạt thất bại của cộng đồng tình báo trong việc ngăn chặn ngay từ đầu những âm mưu gây nguy hiểm cho an ninh nước Mỹ.

Có thể nói, ông Blair đã phải đối mặt với giai đoạn khó khăn trong sự nghiệp khi chính quyền Obama thời gian gần đây liên tục chỉ trích sai lầm của lực lượng tình báo trong việc đảm bảo an ninh hàng không. Nghiêm trọng nhất là sự bất cẩn của DNI khi để một phần tử âm mưu khủng bố lên máy bay của hãng hàng không Mỹ Delta khởi hành từ Amsterdam (Hà Lan) tới Detroi (Mỹ) vào dịp Giáng sinh năm ngoái. Bản thân ông Blair đã thừa nhận sai lầm của ông trong vụ việc này. Blair nói ông đã thiếu linh hoạt trong việc thông báo âm mưu khủng bố trên chuyến bay khiến gần 300 hành khách phải lo sợ. Nhiệm kỳ của ông Blair cũng chứng kiến hàng loạt thất bại an ninh như vụ nổ súng tại căn cứ quân sự Fort Hood và âm mưu đánh bom không thành tại quảng trường Thời đại gần đây.

Tuy nhiên, theo hãng tin Mỹ AP, ông Blair cảm thấy mình không có thực quyền. DNI được thành lập năm 2004 nhằm quản lý 16 cơ quan tình báo cấp liên bang, trong đó có Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA), Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Bộ An ninh Nội địa. Thế nhưng, hầu hết các giám đốc cơ quan tình báo trực thuộc DNI đều có “ông chủ riêng”. Chẳng hạn, Giám đốc FBI chỉ có nghĩa vụ báo cáo với Bộ trưởng Tư pháp; người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) hay Cơ quan Do thám Quốc gia (NRO) báo cáo cho Bộ trưởng Quốc phòng. Hiện nay, Giám đốc CIA Leon Panetta có lẽ là người duy nhất nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của DNI. Tuy nhiên, theo hãng tin Anh Reuters, ông Panetta, người được Tổng thống Obama lựa chọn và lên nhậm chức tháng 2-2009, đã tìm cách hạn chế và thoát khỏi sự kiểm soát của DNI, đồng thời muốn mở rộng quyền hành của CIA trong các hoạt động nghiệp vụ.

Ấy vậy mà như đã thấy khi gặp chuyện thì gần như mọi lỗi lầm đều trút lên người đứng đầu DNI. Có lẽ vì thế mà chẳng ai ngồi lâu trên chiếc ghế Giám đốc DNI. Trước ông Blair, người ta đã chứng kiến 2 đời giám đốc DNI ra đi chỉ trong vòng 4 năm.

KIẾN HÒA
(Tổng hợp từ AP, WP, Reuters, AFP, Foxnews)

Dennis Blair nói lời chia tay DNI. Ảnh: Reuters

Chia sẻ bài viết