26/03/2009 - 08:47

Vì sao chính phủ CH Czech sụp đổ ?

Thủ tướng Topolanek (giữa) và các thành viên chính phủ “thẫn thờ” sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Ảnh: AFP

Chính quyền trung hữu của Thủ tướng CH Czech Mirek Topolanek sẽ phải giải tán sau thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện ngày 24-3. Đây là lần đầu tiên một chính phủ đương nhiệm bị lật đổ kể từ khi Czech tách khỏi Tiệp Khắc năm 1993.

Dư luận cho rằng kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm khá bất ngờ vì từ khi lên làm thủ tướng tháng 1-2007 đến nay, ông Topolanek từng trụ vững trong cả 4 lần bỏ phiếu bất tín nhiệm trước. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, chính phủ Czech dường như bị ảnh hưởng từ hiệu ứng domino của cuộc khủng hoảng chính trị tại Hungary, Latvia và Iceland, những nước được coi là nạn nhân điển hình của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Mặc dù Czech vẫn còn kiểm soát được tình hình tài chính, nhưng kinh tế nước này đang bị tác động mạnh, chẳng hạn như sản xuất công nghiệp bị sụt giảm tới 23% trong tháng 1. Người ta lo ngại sự ổn định tài chính của Czech có thể bị phá vỡ nếu các nhà đầu tư mất bình tĩnh trước cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

Theo hiến pháp Czech, nếu chính phủ bị bất tín nhiệm, thủ tướng sẽ phải đệ đơn từ chức lên tổng thống nhưng vẫn có quyền điều hành chính phủ chuyển tiếp trong vài tháng cho tới khi tổng thống chỉ định được người đứng ra thành lập chính phủ mới. Trong trường hợp Tổng thống Vaclav Klaus không tìm được người đứng ra thành lập chính phủ mới để điều hành đất nước cho đến cuộc tổng tuyển cử định kỳ vào giữa năm 2010, ông có thể cho phép thành lập một chính quyền kỹ trị do các chính khách phi đảng phái đảm nhiệm nhằm giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết trước khi diễn ra một cuộc bầu cử trước thời hạn vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2010. Tuy nhiên, Thủ tướng bị “thất sủng” Topolanek tuyên bố phản đối khả năng này và mong muốn tổ chức bầu cử trước thời hạn càng sớm càng tốt, có thể là ngay sau khi Czech hoàn thành nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU vào cuối tháng 6-2009.

Do Czech đang làm chủ tịch luân phiên EU nên cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này ảnh hưởng không nhỏ đến toàn châu Âu. Quốc hội Czech chắc chắn sẽ ngưng kế hoạch thông qua dự thảo Hiệp ước Lisbon và điều này làm cho tiến trình hội nhập sâu rộng của EU bị đình trệ. Hơn nữa, với ban lãnh đạo không còn quyền lực như hiện nay, vai trò đại diện EU của Czech sẽ mờ nhạt tại hội nghị thượng đỉnh G20 tại Luân Đôn (Anh) vào đầu tháng 4. Về phần mình, Thủ tướng Topolanek chắc chắn cảm thấy “bẽ bàng” và bối rối khi chính phủ của ông chuẩn bị đón Tổng thống Mỹ Barack Obama sang thăm Praha vào ngày 4-4 và dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-EU.

PHÚC GIA AN
(Theo Guardian, AFP, Reuters, Telegraph)

Thủ tướng Topolanek (giữa) và các thành viên chính phủ “thẫn thờ” sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết