14/08/2021 - 22:12

Vì sao an ninh Afghanistan sụp đổ chóng vánh? 

Bước tiến nhanh của Taliban cho thấy rõ rằng các nỗ lực của Mỹ nhằm biến quân đội Afghanistan thành lực lượng mạnh mẽ, độc lập đã thất bại. Những đợt đầu hàng quy mô lớn của an ninh Afghanistan thậm chí diễn ra nhanh hơn so đà tiến công như vũ bão của các tay súng nổi dậy. Vậy đâu là những lý do chính?

Các tay súng Taliban tuần tra bên trong thành phố Ghazni, tây nam thủ đô Kabul, hôm 12-8. Ảnh: AP

Theo Thời báo New York (Mỹ) ngày 14-8, trong những ngày gần đây, lực lượng an ninh Afghanistan đã sụp đổ tại hơn 15 thành phố dưới áp lực tiến công ồ ạt của Taliban kể từ tháng 5. Ðà tấn công thần tốc đó đã kéo theo sự đầu hàng quy mô lớn của binh sĩ Afghanistan và giúp Taliban chiếm được nhiều trực thăng cùng trang thiết bị trị giá hàng triệu USD do Mỹ cung cấp. Tại một số thành phố, giao tranh ác liệt đã diễn ra nhiều tuần ở các khu vực ngoại ô, nhưng cuối cùng Taliban vẫn vượt qua các tuyến phòng thủ của quân đội Afghanistan và tiến vào trung tâm mà không có hoặc ít gặp sự kháng cự nào. Quả đắng này trái ngược với số tiền hơn 83 tỉ USD mà Mỹ đổ vào để mua vũ khí, trang thiết bị và huấn luyện cho lực lượng an ninh Afghanistan hơn 2 thập niên qua.

Xây dựng bộ máy an ninh Afghanistan là một trong những phần quan trọng trong chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama khi Nhà Trắng thời điểm đó nhìn thấy cách chuyển giao an ninh và rời khỏi “vũng lầy” này cách đây gần một thập niên. Nỗ lực của chính quyền Obama đã tạo ra một đội quân được mô phỏng theo hình ảnh của quân đội Mỹ. Thế nhưng đội quân này vốn được kỳ vọng có thể tồn tại lâu dài có lẽ sẽ biến mất khi quân đội Mỹ chấm dứt sự hiện diện tại Afghanistan vào cuối tháng 8 theo quyết định dứt khoát của Tổng thống Joe Biden, người từng là cấp phó của ông Obama.

Trong khi tương lai của Afghanistan dường như ngày một không chắc chắn thì có một điều đang trở nên rất rõ ràng: Nỗ lực 20 năm của Mỹ nhằm xây dựng quân đội Afghanistan thành lực lượng chiến đấu mạnh mẽ và độc lập đã thất bại. Sự rệu rã của quân đội Afghanistan thậm chí đã thể hiện trước khi Taliban tiến hành chiến dịch quân sự kiểm soát hoàn toàn đất nước. Ban đầu, Taliban bao vây các tiền đồn riêng lẻ ở các vùng nông thôn nơi binh lính, đơn vị cảnh sát đói khát và cạn kiệt đạn dược. Khi được các chiến binh Taliban hứa sẽ đảm bảo an toàn, lực lượng an ninh Afghanistan mau chóng đầu hàng và bỏ lại trang thiết bị, từ đó giúp quân nổi dậy dần dà kiểm soát ngày càng nhiều hơn các con đường, sau đó là toàn bộ vùng nông thôn. Khi các chốt kiểm soát an ninh của chính phủ lần lượt sụp đổ, lời phàn nàn của các lực lượng an ninh gần như luôn giống nhau:  Họ không có máy bay yểm trợ hoặc đã hết nguồn chi viện và thực phẩm. Ðiều này xuất phát từ các điểm yếu mang tính hệ thống của lực lượng an ninh Afghanistan khi trên giấy tờ có khoảng 300.000 người (theo số liệu công bố), nhưng trong những ngày gần đây, tổng cộng chỉ khoảng 1/6 trong số đó.

Binh lính và cảnh sát Afghanistan đã bày tỏ sự căm phẫn ngày càng sâu sắc hơn đối với giới lãnh đạo chính phủ. Họ cho rằng các quan chức thường nhắm mắt làm ngơ trước những gì đang xảy ra, dù biết rõ rằng nguồn nhân lực thực tế của an ninh Afghanistan thấp hơn nhiều so với những gì ghi trên sổ sách, vốn bị làm sai lệch bởi tình trạng tham nhũng và cái bí mật mà các quan chức lặng lẽ chấp nhận. Và khi Taliban bắt đầu huy động lực lượng sau tuyên bố rút quân của Tổng thống Mỹ Joe Biden, lực lượng an ninh Afghanistan có thêm niềm tin rằng chiến đấu và hy sinh cho chính quyền Tổng thống Ashraf Ghani là không đáng. Trả lời phỏng vấn này đến cuộc phỏng vấn khác, những người lính và sĩ quan cảnh sát Afghanistan đều mô tả những khoảnh khắc tuyệt vọng và cảm giác bị bỏ rơi bởi những nhà lãnh đạo kém cỏi.

Hãng tin AP ngày 14-8 cho biết, Taliban vừa kiểm soát hoàn toàn tỉnh Logar thuộc miền Đông Afghanistan, qua đó cho phép lực lượng này tiếp cận huyện Char Asyab nằm cách thủ đô Kabul chỉ 11km về phía nam. Như vậy, Taliban đang kiểm soát 18 trong tổng số 34 tỉnh ở Afghanistan và các địa bàn này phủ khắp các vùng miền với khả năng bao vây, chuẩn bị đánh chiếm Kabul. Tuy Lầu Năm Góc khẳng định Kabul “chưa bị đe dọa ngay”, nhưng Đại sứ quán Mỹ đã ra lệnh cho nhân viên tiêu hủy toàn bộ các tài liệu nhạy cảm và các biểu tượng của nước Mỹ mà phe Taliban có thể sẽ sử dụng  vào các mục đích tuyên truyền.

Các đơn vị của quân đội Mỹ đã tới Afghanistan trong ngày 14-8 để bắt đầu quá trình sơ tán hàng ngàn người, bao gồm các nhân viên sứ quán, các nhân viên người Afghanistan cùng gia đình họ. Các đơn vị thuộc kế hoạch tái tăng cường 3.000 binh sĩ Mỹ đã tới để làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay, cũng như bảo đảm cho quá trình sơ tán. Hiện các máy bay trực thăng đang hoạt động liên tục giữa sân bay ở Kabul và khu vực phái bộ ngoại giao của Mỹ trong Vùng Xanh.

ÐỨC TRUNG (Theo Nytimes, AP)

Chia sẻ bài viết