03/07/2013 - 21:15

Vì mục tiêu giảm tối đa chi phí sản xuất

Năng suất, sản lượng lúa đã chạm trần, người nông dân cần quan tâm đến các giải pháp để hạ giá thành sản xuất về mức thấp nhất.

Những năm qua, mặc dù diện tích đất lúa của TP Cần Thơ có xu hướng thu hẹp, song nhờ tăng hệ số vòng quay đất, sản lượng lúa của thành phố tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành nông nghiệp năng suất, sản lượng lúa đã đạt đến ngưỡng. Vì vậy, để ổn định thu nhập cho người nông dân, bên cạnh đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, TP Cần Thơ đề ra nhiều giải pháp nhằm hạ giá thành sản xuất, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch…

* Giảm giá thành

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: “Việc hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, áp dụng các quy trình kỹ thuật hiện đại, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến... đều hướng đến mục tiêu chung là giảm giá thành sản xuất ở mức thấp nhất. Đây là giải pháp toàn diện để phòng trường hợp thị trường biến động, giá lúa xuống thấp, nông dân vẫn đảm bảo có lời”. Từ dịnh hướng này, thời gian qua, ngành nông nghiệp thành phố đã triển khai nhiều chương trình, dự án nhằm hướng đến giảm chi phí sản xuất cho nông dân. Điển hình như: Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo hướng VietGAP”; Dự án “Chuyển giao mô hình quy trình nuôi cấy nấm xanh tại nông hộ và xây dựng mô hình ứng dụng nấm xanh để phòng trừ rầy nâu hại lúa tại TP Cần Thơ”; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phân hủy rơm rạ, cải thiện dinh dưỡng đất, tăng hiệu quả sản xuất lúa”…

Thời gian qua, việc tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL) được xem là điểm nhấn quan trọng trong việc lược bỏ tầng nấc trung gian trong chuỗi giá trị lúa gạo, đem lại lợi nhuận thiết thực cho nông dân. Tham gia mô hình, giá thành giảm 10,8%, năng suất bình quân tăng 2,6% và lợi nhuận tăng 24,65% so với tập quán canh tác truyền thống. Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An: “Trong suốt vụ mùa, cứ khoảng vào ngày 10, 20, 30 hằng tháng các cán bộ khuyến nông cùng với bà con đi thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trừ dịch hại; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân sản xuất đúng quy trình IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”... Bà con trong CĐL lấy sản xuất theo tiêu chuẩn GAP làm định hướng nên đã giảm đáng kể chi phí sản xuất không cần thiết. Chẳng hạn, thói quen sạ dầy từ 200-250kg/ha giảm còn 120-150kg/ha, số lần phun thuốc giảm từ 2-3 lần/vụ”.

Nếu mô hình CĐL với mục tiêu hình thành chuỗi sản xuất lúa gạo liên hoàn từ khâu sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, xuất khẩu thì mô hình “Cánh đồng công nghệ sinh thái” hướng đến nền nông nghiệp thân thiện môi trường cũng được nhân rộng tại các huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Vụ hè thu 2013, “Cánh đồng công nghệ sinh thái” trên địa bàn huyện phát triển với quy mô 7,1ha tại xã Trung Thạnh và xã Thới Xuân. Ngay từ đầu vụ, huyện đã vận động nông dân trồng các loại hoa như: vạn thọ, hướng dương, sao nhái, đậu bắp, đậu xanh... trên bờ ruộng. Cách làm này nhằm thu hút thiên địch ký sinh và thiên địch ăn mồi đến cư ngụ và trực tiếp ký sinh hoặc ăn các loại sâu rầy trên lúa. Nhờ đó, nông dân giảm chi phí phân bón 100kg/ha, thuốc bảo vệ thực vật giảm 527.000 đồng/ha”. Theo ông Trí, thực hiện mô hình “Cánh đồng công nghệ sinh thái”, giá thành sản xuất lúa giảm từ 300-400 đồng/kg, lợi nhuận dự kiến tăng 3-4 triệu đồng/ha so với nông dân sản xuất ngoài mô hình.

Bên cạnh việc tiết giảm chi phí sản xuất, ngành nông nghiệp thành phố cũng tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nhằm giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy gặt đập liên hợp, thiết bị phục vụ sản xuất. Trong năm 2012, TP Cần Thơ hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua thêm 200 máy gặt đập liên hợp. Kết quả này nâng tổng số máy gặt đập liên hợp toàn thành phố lên 566 máy, đảm bảo thu hoạch cơ giới trên 71% diện tích vụ hè thu năm 2013...

* Phát huy vai trò “đầu tàu”

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành, liên kết sản xuất theo CĐL là phương thức sản xuất mới tiên tiến và mang lại hiệu quả nhất hiện nay. Và yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình là mối liên kết “4 nhà”. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kết dính “3 nhà” còn lại, đặc biệt là giữa doanh nghiệp và nông dân. Là một trong những địa phương đứng đầu về diện tích và tiên phong phát triển mô hình CĐL theo hướng GAP, ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: “Để tạo sự đồng thuận trong dân, ngay từ đầu vụ, huyện tiến hành họp dân để triển khai mục đích, ý nghĩa, quyền lợi khi tham gia mô hình; phổ biến các điều khoản hợp đồng ký kết với doanh nghiệp… Ngoài ra, chính quyền địa phương nắm chắc yêu cầu của cả 2 phía, làm trung gian kết nối, cùng thảo luận, bàn bạn để đi đến thống nhất hợp đồng”. Nhằm nâng cao giá trị lúa gạo, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác, các vùng trồng lúa trọng điểm của thành phố (Cờ Đỏ, Thới Lai, Thốt Nốt) tập trung vận động, hỗ trợ nông dân  nạo vét kênh mương, gia cố bờ bao, đầu tư xây dựng trạm bơm điện, trợ giá lúa giống...

Sản xuất lúa ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ thời gian qua tập trung vào hướng mở rộng diện tích và gia tăng năng suất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích có giới hạn và các giải pháp kỹ thuật để gia tăng năng suất vẫn chưa đồng bộ. Trong khi đó, ĐBSCL vẫn chưa có quy trình sản xuất  lúa cơ bản cho toàn vùng và cụ thể cho các tiểu vùng sinh thái. Các giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: IPM, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, bón phân đạm theo bảng so màu lá lúa... được Bộ NN&PTNT phát động và khuyến khích áp dụng rộng rãi nhưng vẫn mang tính riêng lẻ ở từng vùng. Ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng phòng Cây lương thực - cây thực phẩm, Cục Trồng trọt, cho rằng: Động lực từ thị trường có thể giúp người nông dân tiếp cận nhanh hơn với các phương pháp và tác phong canh tác mới từ bỏ lối làm ăn cũ, tiêu tốn nhiều chi phí. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp các địa phương cần có những dự án được kết hợp thành những chương trình mục tiêu, thực hiện một cách kiên trì và nhất quán. Theo ông Tùng, xây dựng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP, Global GAP) cho sản xuất lúa là giải pháp tối ưu trong việc hoàn thiện chất lượng, đảm bảo truy nguyên nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, khẳng định: “Năm 2013 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp thành phố xác định tiếp tục đẩy mạnh khâu cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL. Đây là điều kiện để ứng dụng một cách đồng bộ các phương tiện cơ giới hóa vào quy trình sản xuất lúa nhằm giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo đem về lợi nhuận cao nhất cho người nông dân. Khi mô hình CĐL trên cây lúa hoàn thiện, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình này trên rau màu, cây ăn trái”. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp (ACP) đang triển khai tập huấn, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lúa tại CĐL. Đồng thời, thành phố tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý WB6 xây dựng chương trình huấn luyện hỗ trợ phát triển vùng trồng lúa, cây ăn quả vùng Ô Môn-Xà No và liên kết Cục Trồng trọt thực hiện chương trình hiện đại hóa sản xuất lúa tại Việt Nam...

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết