22/04/2010 - 11:07

“CHÚNG TÔI & MIG –17”

Vì bầu trời Tổ quốc thân yêu

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng không quân Việt Nam tuy còn non trẻ đã lập nên những chiến công oanh liệt làm quân thù nể sợ. “Chúng tôi & MiG-17” đã tập hợp những câu chuyện sống động về một thời hào hùng của không quân Việt Nam. Tác giả là Đại tá Lưu Huy Chao, cựu phi công MiG-17, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tuyển tập dày hơn 500 trang, do Nhà xuất bản Công an nhân dân phát hành quí IV-2009.

“Chúng tôi & MiG-17” gồm 51 câu chuyện về những chiến tích và cả cuộc sống đời thường của những người phi công lái máy bay MiG-17 cùng lực lượng khác trong không quân. Sách kèm phụ lục về các Anh hùng của Quân chủng Phòng không và Không quân, một số hình ảnh và tư liệu lịch sử, về máy bay MiG-17... giúp người đọc có một cái nhìn tổng quát về lực lượng không quân Việt Nam trong giai đoạn kháng chiến cứu nước.

Ngày ấy, lực lượng không quân Việt Nam hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn: phi công ít, chủ yếu sử dụng máy bay MiG- 17- một loại máy bay phản lực chiến đấu cũ của Liên Xô- kém xa về tính năng và vũ khí so với những máy bay F-4, F-8, F-105 hiện đại của Mỹ; cơ sở vật chất thiếu thốn mọi bề. Mỹ có hàng vạn chiếc máy bay chiến đấu còn ta chỉ có vẻn vẹn 40 chiếc MiG-17 và một số máy bay MiG 21, kinh nghiệm của phi công Mỹ hơn hẳn phi công Việt Nam... “Nếu được phép so sánh, có thể ví không quân ta như con chim non mới ra giàng còn không quân Mỹ là con đại bàng lão luyện, đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh” (trang 126). Ấy vậy mà, không quân Việt Nam đã làm nên những kỳ tích “có một không hai” như: ngăn chặn được những cuộc tấn công lớn của kẻ thù, bảo vệ thành công cầu Mỹ Đức, Nhà máy điện Yên Phụ, đánh chìm tàu chiến của địch, thực hiện thành công chiến thuật “Không chiến kiểu du kích Việt Nam”, bắn rơi máy bay địch khi bay ngửa, thậm chí bắn rơi máy bay B-52...

Làm nên những chiến công lịch sử ấy là những phi công trẻ, phần lớn xuất thân từ nông dân. Những anh trai làng trình độ văn hóa hạn chế chỉ quen việc cuốc cày đã trải qua một quá trình học tập, rèn luyện và chiến đấu gian khổ để trở thành những phi công giỏi. Nhiều người đã lập nên những chiến công hiển hách, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Trong đó, có Đại tá, cựu phi công Lưu Huy Chao.

Trong những cuộc không chiến, nhiều phi công đã anh dũng hy sinh, nhiều người bị thương suýt chết... Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, họ vẫn bản lĩnh, kiên cường vượt qua thử thách: Lưu Huy Chao bị thương và máy bay hết dầu nhưng vẫn bình tĩnh xử lý để hạ cánh an toàn; Nguyễn Khắc Lộc nhảy dù khi máy bay trúng tên lửa của địch, anh bị lạc trong rừng rậm một tuần lễ nhưng vẫn cố gắng chống chọi với vết thương, với đói khát để tìm đường trở về đơn vị; Phan Văn Điệt bị thương nặng ở chân không thể làm phi công được nữa, nhưng anh vẫn luôn “bay” cùng đôi nạng gỗ của mình bằng những việc làm có ích cho xã hội...

Sách còn đề cập đến những lực lượng không kém phần quan trọng trong mỗi trận đánh trên không. Đó là những trắc thủ ra- đa, bộ phận dẫn đường cho máy bay, thợ sửa máy, bác sĩ quân y... Họ đã có những sáng kiến độc đáo và những cống hiến lớn lao cho không quân Việt Nam, góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của đơn vị.

Bên cạnh những trận đánh oai hùng là những câu chuyện nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình, những dịp vinh dự được gặp Bác Hồ của các phi công, chuyện “tếu táo” của người lính trong đời thường...

Nguyên Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu đã viết: “Tôi rất trân trọng và cảm động khi được đọc tập sách “Chúng tôi & MiG-17” của tác giả Lưu Huy Chao. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, lực lượng phi công tiêm kích non trẻ của Không quân Nhân dân Việt Nam đã mưu trí, táo bạo, dũng cảm chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc. Nếu không kể lại, không viết ra thành sách thì đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho thế hệ mai sau, khi tìm hiểu truyền thống anh hùng của thế hệ cha anh đi trước...” (trang 5).

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết