07/01/2020 - 08:28

Venezuela có hai Chủ tịch Quốc hội 

Hôm 5-1, cả thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido và nghị sĩ đối thủ Luis Parra đều tuyên bố là Chủ tịch Quốc hội Venezuela, sau khi diễn ra hai cuộc bỏ phiếu và những cáo buộc “đảo chính nghị viện”.

Thủ lĩnh phe đối lập Guaido trèo hàng rào để vào quốc hội hôm 5-1. Ảnh: AP

Quốc hội Venezuela tiến hành bầu chủ tịch mới, trong bối cảnh ông Guaido và nhiều nghị sĩ đối lập bị cảnh sát ngăn cản vào dự họp. Trong cuộc bỏ phiếu, ông Parra- đồng minh cũ của Juan Guaido- tuyên bố trở thành tân Chủ tịch Quốc hội sau khi nhận được 81 phiếu ủng hộ trong số 140 nghị sĩ có mặt. Quốc hội Venezuela có 167 ghế, trong đó 112 ghế thuộc về các nghị sĩ đối lập. Ông Parra là thành viên của đảng đối lập Công lý Trước tiên (PJ) thân Guaido cho đến tháng 12-2019, thì bị khai trừ khỏi tổ chức do dính bê bối tham nhũng. Ông Parra nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ ủng hộ đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất (PSUV) cầm quyền để trở thành tân Chủ tịch Quốc hội.

Đáp lại, phe đối lập cáo buộc bầu ông Parra làm Chủ tịch Quốc hội là “cuộc đảo chính nghị viện”. Sau đó, ông Guaido cùng với khoảng 100 nghị sĩ tổ chức cuộc bỏ phiếu khác tại một tòa soạn báo và cũng tự tuyên bố là “tổng thống lâm thời” kiêm Chủ tịch Quốc hội Venezuela. Các thành viên phe đối lập thân nghị sĩ Guaido tố rằng ông Parra được bầu chọn không hợp lệ vì phiên họp chính thức không được mở, không có số đại biểu tối thiểu tham dự và không có bầu cử chính thức. Ngoài ra, hàng chục quốc gia khác, bao gồm Colombia, cũng tuyên bố sẽ không công nhận ông Parra là Chủ tịch Quốc hội Venezuela.

Tuy nhiên, phát biểu trên truyền hình cùng ngày, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro công nhận việc quốc hội bầu ban lãnh đạo mới, cũng như việc ông Parra đắc cử chức chủ tịch của cơ quan lập pháp này. Nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ nêu rõ nghị sĩ Guaido bị loại khỏi quốc hội bởi chính “những thành viên phe đối lập”.

Hồi đầu năm ngoái, ông Guaido tự xưng là “tổng thống lâm thời” Venezuela, trực tiếp thách thức quyền lực của Tổng thống Maduro. Guaido nhanh chóng được hơn 50 quốc gia công nhận, trong khi ông Maduro nhận được sự ủng hộ của quân đội Venezuela và các nước Nga, Trung Quốc, Cuba, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ...Chính khách 36 tuổi này đã tích cực kêu gọi những người ủng hộ xuống đường biểu tình và thậm chí coi thường lệnh cấm xuất cảnh của Chính phủ Venezuela. Dù vậy, sự ủng hộ ông Guaido giảm dần trong nửa cuối năm 2019.

Liên quan đến tình hình kinh tế Venezuela, gần đây Tổng thống Maduro đã tuyên bố sẽ sử dụng dầu và một phần vàng cho đồng petro nhằm đưa đồng tiền số vào cuộc sống một cách thiết thực hơn. Theo ông, chính phủ nước này đang giới thiệu thành công tiền điện tử vào cuộc sống thường nhật của người dân Venezuela. Hồi tháng 12, chính quyền của ông Maduro đã chuyển đổi lương hưu và lương của nhân viên khu vực công bằng đồng petro thay vì tiền mặt.

Việc tăng cường sử dụng đồng tiền điện tử của đất nước được cho là giúp Venezuela giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước. Cuộc khủng hoảng này đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lương thực và thuốc men, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỷ lệ lạm phát của Venezuela năm 2019 ở mức 200.000%.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP, CNN)

Chia sẻ bài viết