22/06/2024 - 21:50

Về Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú 

Vùng kháng chiến huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, có công trình Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công (khu phố Vĩnh Phước 2, thị trấn Vĩnh Thuận), được xây dựng trên diện tích 4ha. 

Toàn cảnh Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú. Ảnh: Văn Dương

Công trình chính của khu chứng tích là đền thờ với không gian thờ Bác Hồ, các bậc anh hùng liệt sĩ. Phần nội thất bên trong được bày trí các bức đại tự, hoành phi, câu đối, lư hương, bát bửu, chuông, trống... Trong từng chi tiết kết cấu công trình, hoa văn, họa tiết, trang trí mỹ thuật; cùng hình thức, quy mô kiến trúc hợp thành một chỉnh thể không gian thiêng liêng. Toàn bộ khuôn viên của công trình được xây dựng khang trang, sạch đẹp, với hệ thống chiếu sáng, cây xanh, hoa, kiểng, ao sen… thoáng mát, yên lành. Bức tượng đồng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang biểu tượng “Miền Nam trong trái tim tôi” đầy cảm xúc. Công trình được hoàn thành đã thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ và của nhân dân trong tỉnh Kiên Giang; nhằm ghi nhớ, giáo dục truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của quân dân ta.

Tháng 7-1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, miền Nam tạm thời dưới quyền kiểm soát của lực lượng Liên hiệp Pháp. Năm 1955, chính quyền Ngô Đình Diệm xác định vùng U Minh Thượng là căn cứ cách mạng vững chắc, là vùng kháng chiến mạnh mẽ của Tây Nam Bộ, nhân dân đều theo cách mạng; do đó phải dùng chính sách “Dĩ cộng diệt cộng” ngay từ đầu. Tháng 2-1955, Ngô Đình Diệm thành lập đặc khu An Phước và quận An Phước (huyện Vĩnh Thuận ngày nay), bổ nhiệm tên thiếu tá Lâm Quang Phòng làm đặc khu trưởng, kiêm quận trưởng. Đích thân Ngô Đình Diệm và các thuộc hạ đã dự và cắt băng khánh thành đặc khu An Phước. Để đàn áp phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân, chúng thành lập trại giam An Phước trên nền nhà cũ của địa chủ Bang Biện Phú, phía sau trại giam có nhiều ao lớn nhỏ, có khu rừng tràm trên 100ha, xung quanh đắp bờ thành cao, có rào dây chì gai nhiều lớp, với diện tích 20m2, chúng nhốt khoảng 100 người, nhà trại được đào sâu xuống 2m, nước lúc nào cũng ngập đến đầu gối. Trong khoảng 3 năm (từ tháng 4-1955 đến năm 1957), địch đã mở nhiều cuộc càn quét khủng bố, bắt giam cầm hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị giết hại tại đây.

Trong trại giam, địch đã dùng đủ mọi cực hình tra tấn dã man để hòng mua chuộc, chiêu hàng và làm lung lạc ý chí của những người cộng sản yêu nước như: cho uống nước xà bông, nước vôi, treo ngược lên nóc nhà, chạy điện, nướng cây sắt đỏ đâm vào người cho đến chết… Hằng đêm, chúng đem vài chục người đi thủ tiêu với các hình thức giết người tàn bạo nhất. Có những lúc, chúng tổ chức giết hại tập thể 30-60 người. Ngoài những cực hình tra tấn dã man trên, bọn Lâm Quang Phòng và Cái Văn Ngà còn áp dụng các hình thức tra tấn thời trung cổ để hành hạ tù nhân. Dã man hơn nữa, chúng còn dùng cái xi-tẹc nước cũ (rộng khoảng 10m2) làm nơi giam, tra khảo, nhốt người. Trại giam An Phước là một trong những trung tâm tội ác của địch ở Tây Nam Bộ, người bị bắt giam tại đây hầu như không còn sống, xác người vùi chôn trong rừng tràm hoặc bị dùng cây tràm cài dưới đáy các ao lớn nhỏ xung quang khu vực nơi đây.

Chiến tranh đã đi qua, đất nước hoàn toàn thống nhất, đúng với ước nguyện của các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc thân mình để đem lại hòa bình độc lập cho đất nước, nhân dân ta; nhưng nỗi đau mất người thân của thân nhân các liệt sĩ vẫn còn đó. Chính vì vậy, sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Kiên Giang đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã hy sinh tại trại giam An Phước. Kết quả đã khai quật được 3 hầm mộ tập thể, mỗi hầm khoảng 30-40 hài cốt liệt sĩ. Năm 1986, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Vĩnh Thuận được xây dựng trên nền trại giam An Phước cũ, khi đào đất đắp nền nghĩa trang phát hiện rất nhiều hài cốt, ngoài ra còn nhiều hài cốt liệt sĩ đã hòa trong đất.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và thân nhân các liệt sĩ trong việc tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về nghĩa trang liệt sĩ; đồng thời thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các liệt sĩ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục tiến hành khảo sát, tìm kiếm và tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ ở trại giam thuộc đặc khu An Phước. Thông tin cung cấp từ cán bộ cách mạng tham gia công tác ở vùng U Minh Thượng và thông tin từ các tư liệu lịch sử để lại cho thấy hiện còn khoảng 1.000 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại trại rừng tràm Bang Biện Phú.

Với tinh thần và trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ nghĩa tình và thiêng liêng đó, Khu chứng tích chiến tranh Rừng tràm Bang Biện Phú và Đền thờ anh hùng liệt sĩ, người có công được xây dựng hoàn thành, để sớm đưa các liệt sĩ về nơi thiêng liêng, trang trọng; xứng đáng với sự hy sinh mà lịch sử, dân tộc luôn ghi nhớ, tri ân.

PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết