10/12/2010 - 21:12

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn

Vấn đề bức bách !

Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Để triển khai nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, nghị định, chính sách... thúc đẩy nông nghiệp nông thôn phát triển. Hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” được tổ chức tại TP Cần Thơ tiếp tục khẳng định: Thúc đẩy phát triển kinh tế - nông nghiệp nông thôn đang là vấn đề bức bách.

PHẢI GIẢI QUYẾT TỪ “GỐC”

“Đó chính là quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp (cây lúa, con cá, cây bưởi, hoa màu...) phải đi trước một bước. Trên cơ sở đó, quy hoạch phát triển thủy lợi gắn với giao thông nông thôn, giải quyết tình hình xâm nhập mặn... phải được thực hiện để thúc đẩy sản xuất nông - thủy sản”- ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nói. Theo ông Nguyễn Phong Quang, ngoài các yếu tố vừa nêu, cũng cần chú ý đến vấn đề phát huy hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong việc chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi mới, thúc đẩy chuyển giao khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất...

Cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại TP Cần Thơ bằng máy gặt đập liên hợp. Ảnh: THANH LONG 

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng: Nông nghiệp nông thôn kéo dài tình trạng sản xuất manh mún; sự bất cập của mô hình sản xuất kinh tế nhỏ lẻ và thiếu quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Các quy hoạch trong nông nghiệp chủ yếu mang tính nuôi con gì, trồng cây gì... Nhưng sản phẩm cây, con đó bán ở đâu, số lượng bao nhiêu, giá như thế nào lại do thị trường quyết định. Chính vì thế, là một nước nông nghiệp, đặc biệt có nhiều loại nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng tình trạng “được mùa mất giá; được giá - mất mùa” khiến nông dân bất ổn trong cuộc sống. Tình trạng nêu trên đẩy người nông dân phải chịu “rủi ro kép”. Đó là rủi ro do thiên nhiên (hạn hán, lũ lụt, sâu bệnh...) chịu nặng nề hơn các ngành kinh tế khác; rủi ro thị trường (biến động tỷ giá hối đoái, mất cân đối cung - cầu...). Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, vấn đề “đại sự” trong quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp chính là: “Chuyển rủi ro từ thị trường cho thị trường, để giảm rủi ro cho nông dân sản xuất không phải đơn giản là quy hoạch chỗ nào nuôi con gì, trồng cây gì cho thích hợp”. Muốn làm được vấn đề trên, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, phải thông qua 3 công cụ hỗ trợ. Đó là: Hỗ trợ từ Nhà nước thông qua chính sách tín dụng, dự trữ; phải tiến hành nghiên cứu xây dựng các “cụm nông nghiệp”. Vai trò của các công ty thương mại thông qua việc thực hiện mua - bán các hợp đồng tương lai. Vai trò của hiệp hội sản xuất nông sản, trong đó nổi bật là vai trò của liên minh các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, vấn đề liên kết “4 nhà”, đặc biệt là liên kết giữa “doanh nghiệp - nông dân” một cách hữu cơ cũng cần phải được đặc biệt chú trọng để giải bài toán lớn nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn: Làm thế nào đảm bảo cuộc sống của nông dân, chuyển nông dân sang bộ phận phi nông nghiệp nhằm không làm bất ổn vùng nông thôn?

PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NÔNG SẢN

Theo Bộ Công Thương, nông sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc phát triển thị trường nông sản của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nông sản nước ta phải đối mặt và cạnh tranh quyết liệt đối với hàng nông sản của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước. Đây là thách thức lớn nhất nếu không tiếp cận được các thị trường tiêu thụ trực tiếp và xây dựng chiến lược sản phẩm thích hợp, Việt Nam có nguy cơ trở thành nước xuất khẩu nông sản thô, mức độ chế biến thấp sang các nước và nhập nông sản có hàm lượng chế biến cao. Các thị trường lớn đòi hỏi ngày càng cao hơn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Vì thế, nhiều nước đã và sẽ đưa ra các quy định ngày càng khắt khe hơn đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu. Giá trị nhiều mặt hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn thấp do chất lượng sản phẩm chưa cao, chủng loại còn đơn điệu. Trong khi đó, nông dân sản xuất nhỏ lẻ nên gặp rất nhiều khó khăn khi thị trường yêu cầu với số lượng lớn, thời gian giao hàng ngắn, chất lượng cao, đảm bảo tính đồng bộ về quy cách... Sự biến động bất thường, khó lường về giá hàng nông sản trên thị trường thế giới; mạng lưới kinh doanh hàng nông sản trong nước vừa thiếu, vừa yếu, nhiều khâu nấc trung gian... đã tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nông dân...

Giải quyết những khó khăn, thách thức trên, đồng thời khai thác có hiệu quả các cơ hội do hội nhập mang lại, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cần phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Thông qua việc đầu tư mở rộng năng lực sản xuất của các ngành cơ khí, hóa chất, phân bón...; nghiên cứu thiết kế chế tạo ra các loại máy móc, thiết bị phục vụ canh tác, phục vụ thu hoạch... nhằm từng bước phát triển ngành công nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, cần quy hoạch sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; phát triển các cụm công nghiệp vừa và nhỏ tại các địa phương, tạo cơ sở đưa công nghiệp về nông thôn, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông sản... Bên cạnh đó, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường nông sản trong và ngoài nước. Để khẳng định mạnh mẽ hơn nữa hàng nông sản của Việt Nam trên thị trường thế giới, cần xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trước mắt, định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh như: gạo, cà phê, hồ tiêu,... để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài.

“BƠM VỐN” CHO NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN

Liên quan đến tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Thời gian qua, cùng với các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cơ chế và giải pháp cụ thể. Chính vì thế, thời gian qua, đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã thu hút được sự quan tâm và tham gia tích cực của các tổ chức tín dụng. Bên cạnh mạng lưới Ngân hàng NN&PTNT giữ vai trò chủ đạo, các Ngân hàng thương mại và Nhà nước khác, Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Ngân hàng phát triển, các Ngân hàng thương mại cổ phần và hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân. Từ đó, góp phần tạo ra bước chuyển vượt bậc trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30-10-2010, nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đã đạt 358.000 tỉ đồng, tăng 10,5 lần so với cuối năm 1998. Cơ cấu tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được cải thiện theo hướng tăng dần tỷ trọng vốn trung và dài hạn và đạt 42,2% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn, nợ xấu được kiểm soát ở mức hợp lý (2,8% trên tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn). Riêng tín dụng theo chính sách của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay với 18 chương trình, dư nợ đến ngày 30 - 10 - 2010 đạt 87.192 tỉ đồng, với 6,7 triệu lượt hộ góp phần giúp gần 2 triệu hộ thoát nghèo. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngành nông nghiệp và nông dân đã tham gia vào “sân chơi” chung giống như các lĩnh vực kinh tế khác. Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Nhà nước sẽ hỗ trợ những mặt kém lợi thế của lĩnh vực nông nghiệp qua các công cụ chính sách trong tay Nhà nước và những hỗ trợ, để khắc phục thiên tai, dịch bệnh; giúp người dân vững tin hơn khi tham gia vào sân chơi lớn và các sản phẩm do nông dân làm ra cũng được đối xử công bằng hơn trên thị trường.

Một trong những nguồn lực chính cho nông thôn phát triển - đó là làm thế nào để huy động được nguồn lực đủ mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Muốn làm được vấn đề này, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu: Nguồn huy động của các tổ chức tín dụng đóng vai trò chủ lực trong đầu tư cho nông nghiệp. Các công cụ điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước chưa thể đáp ứng nhu cầu vốn cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nguồn vốn dài hạn. Do đó, các bộ ngành liên quan cần tìm kiếm các nguồn tài trợ ủy thác nước ngoài và tham mưu Chính phủ dành một nguồn vốn nhất định để ủy thác qua các tổ chức tín dụng cho vay. Nguồn vốn này sẽ tạo điều kiện cho nhiều nông hộ được vay vốn nhiều hơn với lãi suất ổn định hơn. Ngoài ra, việc cho vay đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải gắn liền với chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương...

Đặc biệt, tại Hội thảo “Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn” thông qua việc ký kết hợp tác đầu tư tín dụng, hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp... giữa Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng cổ phần Thương mại Công Thương, Ngân hàng cổ phần Liên Việt đã ký kết hợp tác với đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản vùng ĐBSCL... Điều này chắc chắn hứa hẹn nguồn vốn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.

HÀ TRIỀU - PHAN TOÀN

Chia sẻ bài viết