23/04/2008 - 21:50

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn TP Cần Thơ

Vẫn còn nhiều sai sót, bất cập

Tính đến nay, thành phố Cần Thơ đã cấp được khoảng 210.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), với diện tích hơn 118.900 ha, đạt hơn 95% diện tích phải cấp. Tuy nhiên, ngay trong diện tích đất đã cấp giấy CNQSDĐ cũng có nhiều sai sót, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền sử dụng đất của người dân. Đồng thời, hiện nay quy định về cấp giấy CNQSDĐ khi nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất còn nhiều bất cập nên nhiều người dân có nhu cầu không được giải quyết…

Cấp giấy CNQSDĐ: Chính quyền làm sai, dân gánh thiệt thòi!

Năm 1993, theo chủ trương chung, TP Cần Thơ tổ chức đo đạc, cấp giấy CNQSDĐ đại trà cho người dân. Việc cấp giấy CNQSDĐ đại trà này đã tạo điều kiện cho hàng chục ngàn hộ gia đình có cơ sở pháp lý (giấy tờ đất) để thực hiện các quyền sử dụng đất hợp pháp, thuận tiện. Tuy nhiên, do công tác quản lý nhà nước về cấp giấy CNQSDĐ lúc đó còn chưa chặt chẽ nên tình trạng sai sót xảy ra nhiều, thậm chí là phổ biến tại một số địa phương như các xã: Nhơn Nghĩa, Trường Long, Tân Thới nay thuộc huyện Phong Điền.

Ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Phong Điền, thừa nhận: “Tình trạng sai sót trong cấp giấy CNQSDĐ cho hộ gia đình thời điểm năm 1993 khá nhiều. Nội dung sai sót chủ yếu là cấp lộn thửa, sai diện tích, hình thể; sót thửa, nhiều nhất là xã Nhơn Nghĩa có nơi giấy CNQSDĐ đã cấp sai đến 80%”. Do giấy CNQSDĐ bị sai sót nên khi người dân đăng ký thế chấp vay vốn ngân hàng, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện không thể giải quyết, mà phải đợi huyện xác minh, chỉnh lý cấp lại giấy CNQSDĐ mới có cơ sở cho đăng ký thế chấp”. Điều này đã gây thắc mắc trong nhân dân.

Bà Đặng Thị Vinh, người dân ở ấp Nhơn Khánh (xã Nhơn Nghĩa), là một trong hàng trăm “nạn nhân” của việc sai sót trong cấp giấy CNQSDĐ trong xã, cho biết: “Tôi có hai thửa đất tại ấp Nhơn Khánh do ông bà để lại. Tôi đã cất nhà ở và canh tác hơn hai mươi năm nay, nhưng mới đây tôi đi đăng ký cấp “giấy đỏ” thì huyện Phong Điền nói là diện tích đất của tôi hiện ông Nguyễn Văn Tư đang đứng tên trong giấy tờ. Tôi đã làm đơn đề nghị xã Nhơn Nghĩa và huyện Phong Điền xác minh, xem xét điều chỉnh nhưng vẫn chưa có kết quả”. Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng TNMT huyện Phong Điền, cho biết: Sở dĩ có việc đất của bà Đặng Thị Vinh lại cấp cho ông Nguyễn Văn Tư là do cán bộ giải quyết cấp giấy tờ đất trước đây áp sai vị trí bản đồ đo đạc. Huyện và xã đã xác minh kỹ, hiện đang hoàn tất thủ tục để điều chỉnh cấp “giấy đỏ” cho gia đình bà Vinh.

 Cán bộ địa chính xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền) tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn về việc sai sót trong cấp giấy CNQSDĐ.

Tuy nhiên, theo ông Bạch Việt Phúc, cán bộ địa chính xã Nhơn Nghĩa, hiện nay đất của ông Nguyễn Văn Tư lại do một người khác là ông Nguyễn Văn Kỷ đứng tên trong sổ bộ. Do đó, việc điều chỉnh cấp giấy đỏ cho bà Đặng Thị Vinh (từ ông Nguyễn Văn Tư) phải tổ chức đồng thời với điều chỉnh cấp giấy đất cho ông Nguyễn Văn Tư (từ ông Nguyễn Văn Kỷ). Thế nhưng, hiện nay khi xác minh, toàn xã lại không có trường hợp nào tên Nguyễn Văn Kỷ cả, cho nên xã đang “nhờ” ngành công an can thiệp. Khi có kết quả xác minh, xã sẽ chỉnh lý giấy CNQSDĐ theo đúng quy định. Ông Bạch Việt Phúc cũng cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn ấp Nhơn Khánh có khoảng 80% giấy tờ đất đã cấp có sai sót phải điều chỉnh. Do công tác điều chỉnh rất phức tạp nên cần phải có thời gian xác minh, thường thì 3 đến 5 tháng mới xong. Đối với những trường hợp sai sót này, việc cấp giấy CNQSDĐ không còn riêng của ngành tài nguyên nữa mà phải có sự tham gia của rất nhiều ngành và họp dân lấy ý kiến”.

Việc sai sót trong cấp giấy CNQSDĐ đã ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân. Tại xã Nhơn Nghĩa, rất nhiều gia đình có giấy tờ đất nhưng do có sai sót nên không thể thế chấp vay vốn ngân hàng mà phải nộp cho chính quyền để chỉnh lý. Thủ tục chỉnh lý cũng rất nhiêu khê phức tạp nên thường người dân không được ra biên nhận hẹn ngày trả kết quả. Không những thế, khi điều chỉnh giấy tờ đất thường phải công khai trên báo, đài theo quy định, chi phí này do người dân chịu. Theo ông Trần Văn Hải, Trưởng phòng TNMT huyện Phong Điền, việc cấp giấy tờ đất sai là do cán bộ, theo quy định người dân không phải lập thủ tục, không phải bỏ ra chi phí. Tuy nhiên, đây là những sai sót do cán bộ trước đây, nếu bắt cán bộ hiện nay chịu thì không đúng”.

Bất cập trong cấp giấy CNQSDĐ

Đầu năm 2008, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra tình trạng tồn đọng hàng trăm hồ sơ chuyển nhượng và chuyển mục đích quyền sử dụng đất. Nguyên nhân là do Bộ TNMT có Công văn 388/BTNMT-ĐĐ hướng dẫn việc giải quyết hồ sơ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn TP Cần Thơ. Công văn này quy định: “Tại các khu đất nông nghiệp chưa có quy hoạch sử dụng đất chi tiết mà các hộ dân tự chuyển nhượng cho hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền không giải quyết thủ tục chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan chức năng xử lý những trường hợp vi phạm này”. Theo lãnh đạo Sở TNMT, điều này là trái quy định pháp luật (pháp luật quy định chỉ đất trồng lúa nước mới bắt buộc đối tượng nhận chuyển nhượng phải là người trực tiếp sản xuất) và không phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Ngay sau đó, Sở TNMT TP Cần Thơ đã có công văn đề nghị Bộ TNMT xem xét điều chỉnh Công văn 388 nhưng đến nay Bộ vẫn chưa điều chỉnh.

Theo thống kê của các quận, huyện, hiện nay tại các địa phương này đều còn tồn đọng khoảng hai chục hồ sơ chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất vì không có cơ sở giải quyết. Trong đó, có nhiều hồ sơ chuyển nhượng nguyên thửa, bao gồm cả đất vườn và đất trồng lúa. Việc chuyển nhượng đất trồng lúa bắt buộc bên nhận chuyển nhượng phải là người trực tiếp sản xuất, nhưng đất vườn thì không. Ông Nguyễn Hùng, ở quận Ninh Kiều, là người đang thực hiện giao dịch chuyển nhượng đất (thửa đất bao gồm đất vườn và đất ruộng) với một người dân ở huyện Phong Điền, nói: “Gia đình tôi trước đây có mấy công vườn ở quận Ninh Kiều, nhưng nay đã bị thu hồi để thực hiện dự án. Mình làm vườn quen rồi, tính đến huyện Phong Điền chuyển nhượng một phần đất trồng cây trái, nuôi tôm, nhưng huyện nói là chưa thể giải quyết được vì chờ chủ trương ở trên. Không biết phải chờ đến bao giờ nữa?”.

Về Công văn 388 của Bộ TNMT, các địa phương cho rằng khó có khả năng thực thi trong thực tế tại TP Cần Thơ. Bởi vì, việc chuyển nhượng, chuyển mục đích đất phải gắn liền với quy hoạch sử dụng đất chi tiết. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở TNMT thành phố, hiện nay công tác quy hoạch sử dụng đất chi tiết vẫn chưa thực hiện được. Nếu làm đúng quy định của Bộ TNMT thì là “làm khó” dân, nhưng việc chậm quy hoạch sử dụng đất là do cơ quan Nhà nước chứ không phải từ phía người dân.

* * *

Trao đổi các vấn đề này, ông Thiều Quang Thái, Phó Giám đốc Sở TNMT thành phố, cho biết: “Đối với việc sai sót trong cấp giấy CNQSDĐ, nếu địa phương có khó khăn, báo cáo để Sở chỉ đạo tháo gỡ, đảm bảo việc sai sót phải được khắc phục sớm, tạo điều kiện để người dân thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Riêng vấn đề bất cập trong chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ TNMT để tháo gỡ, tạo cơ sở pháp lý khai thông ách tắc trong giải quyết nhu cầu này của người dân”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết