24/12/2007 - 22:03

Khấu trừ tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đầu tư dự án khu dân cư

Vẫn còn nhiều "lấn cấn" giữa ngành thuế và doanh nghiệp

Gần 2 năm trôi qua, vấn đề khấu trừ tiền sử dụng đất (SDĐ) của các doanh nghiệp đầu tư khu dân cư (KDC) tại TP Cần Thơ lại “nóng” lên khi lãnh đạo Bộ Tài chính trực tiếp làm việc với Chủ tịch UBND TP Cần Thơ và một cuộc hội thảo do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ tổ chức (diễn ra ngày 21-12 vừa qua). Lần này, những vấn đề mà doanh nghiệp bức xúc tiếp tục được mổ xẻ và tìm hướng giải quyết.

 Các dự án khu dân cư đã góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa thành phố Cần Thơ trong những năm qua.
Thống nhất được ngày “khai sinh” dự án

Có thể nói, các khoản mà doanh nghiệp đã đầu tư vào từng dự án như tiền đền bù giải tỏa, hỗ trợ tái định cư, chính sách khen thưởng di dời sớm, thời điểm tạm nộp tiền SDĐ... để gộp lại khấu trừ vào tiền SDĐ gần như mỗi doanh nghiệp là một trường hợp riêng biệt. Do đó, các văn bản pháp luật quy định liên quan đến những vấn đề này không phải lúc nào, văn bản nào cũng vận dụng được chung cho tất cả các doanh nghiệp đầu tư dự án KDC ở TP Cần Thơ.

Ông Vũ Tất Dậu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Cần Thơ, bức xúc vấn đề thời điểm “khai sinh” dự án: “Dự án KDC 11ha của Công ty ở khu Nam Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ ký quyết định quy hoạch đất tháng 11-2002 và công ty triển khai dự án từ thời điểm đó đến nay. Nhưng Quyết định giao đất thì chỉ được ký vào năm 2004. Thế là, ngành thuế tính dự án ra đời từ năm 2004 và các thủ tục về thu tiền SDĐ cũng tính từ thời điểm này. Như vậy, dự án “sinh ra” năm 2002, nhưng đến năm 2004 giấy “khai sinh” mới được cấp và ghi năm 2004 là không hợp lý...”.

Ông Nguyễn Thanh Sử, Phó Giám đốc Công ty Phát triển & Kinh doanh nhà Cần Thơ, còn bức xúc hơn: “Tất cả những thủ tục pháp lý của dự án KDC Hưng Phú 1 đã thực hiện vào đầu năm 2004, tiền SDĐ cũng đã tạm nộp và nộp thừa luôn. Nhưng đến đầu tháng 8-2004, UBND thành phố mới cấp quyết định giao đất, chỉ sau thời gian Luật Đất đai 2004 có hiệu lực (1-7-2004) tính bằng ngày. Nhưng nếu tính từ khi có quyết định giao đất thì bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện theo Luật Đất đai 2004, áp dụng cách khấu trừ mới thì thiệt cho doanh nghiệp. Từ chỗ nộp thừa tiền SDĐ doanh nghiệp chúng tôi lại bị chuyển sang nợ vài chục tỉ đồng tiền SDĐ?”.

Như vậy, nếu không tính từ ngày “khai sinh” dự án trên thực tế, mà chỉ kể thời điểm “cấp giấy khai sinh” (Quyết định giao đất có thể chậm hơn 2-3 năm, thậm chí 5 năm), thì ngành thuế vận dụng các văn bản từ khi có quyết định giao đất để tính thuế sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp. Trong khi đó, quyết định giao đất là do UBND thành phố quyết định thời gian cấp, doanh nghiệp không thể tham gia vào. Văn bản 12394/BTC-QLCS của Bộ Tài chính trả lời UBND TP Cần Thơ về vấn đề này, nêu rõ: “Đề nghị UBND TP Cần Thơ căn cứ hồ sơ giao đất và thực tế tổ chức thực hiện tại địa phương để xác định nghĩa vụ tài chính...”. Từ những cơ sở này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung đã thống nhất xác định thời điểm tính từ ngày thực hiện dự án – “ngày khai sinh” dự án là hợp lý, theo đó UBND thành phố sẽ xem xét lại từng dự án.

Như vậy, vấn đề “khai sinh” được thống nhất, những dự án có lấn cấn trong vấn đề này sẽ yên tâm nộp tiền SDĐ. Theo đó, nhà đầu tư nào đã tạm nộp thuế vào thời điểm nào thì được quy đổi ra giá đất thời điểm đó. Điều này tạo sự công bằng cho các doanh nghiệp, không thể cào bằng như nhau giữa những doanh nghiệp tích cực nộp thuế trước và những đơn vị chậm nộp...

Vấn đề tiền SDĐ được khấu trừ trên 100% diện đất hay chỉ khấu trừ trên diện tích đất kinh doanh cũng cơ bản được thống nhất. Ông Võ Ngọc Châu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 586, cho biết: “Khi triển khai dự án, không có quy định nào không cho phép khấu trừ tiền SDĐ trên 100% diện tích đất dự án. Nếu chỉ trừ trên diện tích đất kinh doanh, thường chỉ bằng 35-40% diện tích đất của dự án, trong khi các công trình công cộng, đường sá đều do doanh nghiệp đầu tư và giao cho Nhà nước quản lý mà không được khấu trừ là bất hợp lý...”. Ông Phan Văn Thọ, Trưởng Phòng Tài nguyên đất - Cục Công sản Bộ Tài nguyên Môi trường, khẳng định: “Chưa có luật nào quy định là doanh nghiệp không được khấu trừ tiền SDĐ trên 100% diện tích đất dự án. Nhà nước khuyến khích khấu trừ trước đây từ không quá 90% đến nay được trừ 100% tiền SDĐ cho các doanh nghiệp là nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tiền SDĐ không phải là khoản thu quan trọng nhất...”.

Vẫn còn nhiều “lấn cấn”

Theo nhận định của các doanh nghiệp, những vấn đề nêu trên chỉ mới tháo gỡ khoảng 50% vướng mắc tồn tại lâu nay. Vấn đề còn lại là tiền SDĐ khấu trừ như thế nào cho hợp lý. Ông Võ Ngọc Châu phân tích: “Lấy ví dụ, phương án đền bù của dự án A vào năm 2004 tổng giá trị phê duyệt là 40 đồng. Nhưng dự án triển khai kéo dài đến năm 2007 (kéo dài 5-7 năm là bình thường), thì số tiền đền bù tăng lên theo giá đất hàng năm tổng cộng là 90 đồng. Vậy nếu căn cứ theo phương án ban đầu chỉ khấu trừ được 40 đồng, còn 50 đồng doanh nghiệp phải bỏ vào đâu? Do đó, ngành thuế cần phải tính toán khấu trừ giá đền bù theo giá đất hàng năm thì mới hợp lý”. Xung quanh vấn đề này, ông Võ Thành Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc, bức xúc: “Hội đồng đền bù quận xét duyệt cho từng trường hợp nằm trong dự án được tái định cư, hỗ trợ ra sao; giá đất đền bù cũng được hội đồng này thống nhất phê duyệt... thì doanh nghiệp mới đủ cơ sở chi trả và có chứng từ hẳn hoi. Tất cả đều có giá trị pháp lý, nhưng khi khấu trừ vào tiền SDĐ lại không được tính. Vậy khác nào không công nhận hội đồng đền bù mà thủ tục không thể thiếu hội đồng này. Sao khó hiểu quá?”. Trường hợp của Công ty Phát triển & Kinh doanh nhà TP Cần Thơ hiện đang đầu tư khu tái định cư phường Hưng Phú, thì 100% diện tích đất đều dành để phục vụ tái định cư bờ kè Xóm Chài, theo quy định được ưu tiên không nộp tiền sử dụng đất. Nhưng giờ đây ngành thuế lại có thông báo nộp tiền SDĐ. Trong khi đất đã giao cho các hộ tái định cư và chỉ thu tiền kết cấu hạ tầng. Vậy chẳng lẽ công ty phải thông báo thu tiếp tiền SDĐ của các hộ này để nộp cho ngành thuế?...

Trả lời những vướng mắc này, ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ, thừa nhận: Ngành thuế đã nhiều lần xin ý kiến của Bộ Tài chính về những vướng mắc xung quanh việc khấu trừ tiền SDĐ, nhưng hơn 2 năm qua những lấn cấn này vẫn chưa thể tháo gỡ. Đối với việc khấu trừ tiền SDĐ, trước đây ngành thuế khấu trừ 100% diện tích đất, nhưng Thanh tra Nhà nước khẳng định làm vậy là sai quy định. Còn các khoản về hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ về đất có khấu trừ được vào tiền SDĐ hay không thì chúng tôi tiếp tục xin ý kiến hướng dẫn thực hiện. Nhưng ngành thuế khẳng định đã làm đúng chức năng nhiệm vụ. Không phải muốn thu nhiều hay ít mà làm đúng các trình tự thủ tục của ngành thuế...”.

Đồng chí Phạm Phước Như, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhìn nhận, đến giờ này mới xử lý tháo gỡ khó khăn là chậm. Ngành thuế đã không kịp thời đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn mà để kéo dài, trong khi đây là lĩnh vực chuyên môn của ngành. Do đó, ngành thuế cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. UBND thành phố ghi nhận những ý kiến đóng góp đề xuất của các doanh nghiệp và sẽ có những văn bản kiến nghị Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính nhanh chóng xử lý những vấn đề bất hợp lý còn tồn tại trong thời gian sớm nhất... Còn ông Phạm Vũ Anh, Phó Cục Trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính, cho biết: “Không phải vấn đề nào cũng phải xin ý kiến Bộ Tài chính, bởi gần như mỗi dự án là một trường hợp riêng biệt. Do đó, cần thiết nên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo để nêu lên vấn đề bất cập. Những vấn đề nào trong phạm vi TP Cần Thơ xử lý được thì xử lý, còn không thì tổng hợp văn bản gửi các ngành có liên quan đề xuất hướng giải quyết...”.

AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết