Năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến khó lường cùng với đó là hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở nhiều nơi đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống, làm chậm tốc độ tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của TP Cần Thơ. Bước sang năm 2021, khó khăn nói trên tiếp tục là những cản ngại đối với sự phát triển của thành phố. Vì vậy, thành phố sớm đề ra định hướng, giải pháp để kinh tế phát triển ổn định, đạt mục tiêu đề ra.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Quốc tế Tri Việt.
Ảnh hưởng mạnh từ dịch COVID-19
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2020 ước tính tăng 1,02% so với năm 2019. Tốc độ tăng GRDP năm 2020 đạt thấp so với cùng kỳ và không đạt kế hoạch đề ra. Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tăng trưởng ổn định đạt và vượt kế hoạch với 1,58% do ít chịu ảnh hưởng của dịch. Ngành công nghiệp và xây dựng có tăng trưởng 1,69%. Trong đó, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nhất là xuất khẩu bị ngưng trệ, thị trường trong nước bị thu hẹp do nhiều doanh nghiệp đóng cửa hoặc giảm năng lực sản xuất. Ngành dịch vụ là ngành kinh tế chủ lực của thành phố chiếm 49,89% cơ cấu kinh tế thành phố có tăng trưởng dương nhưng khá thấp với 0,51% so cùng kỳ. Trong đó, hoạt động bán buôn, bán lẻ là lĩnh vực chiếm tỷ trọng 15,56% trong cơ cấu kinh tế chỉ tăng 0,51%, một số lĩnh vực như vận tải kho bãi âm 15,29%; dịch vụ lưu trú và ăn uống âm 16,51%; hoạt động dịch vụ khác âm 15,63%...
Ông Ngô Văn Chơn, Giám đốc điều hành Công ty CP May Tây Ðô, cho biết: "Hoạt động sản xuất của công ty năm 2020 gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 làm đảo lộn, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Công ty gặp khó khăn do đầu vào (nhập nguyên phụ liệu) lẫn đầu ra (các đơn hàng hàng xuất khẩu giảm). Mặc dù có nhiều nỗ lực cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, song doanh số của công ty năm 2020 chỉ bằng 80% so với năm ngoái". Theo ông Lâm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Cảng Cần Thơ, trước những khó khăn đặt ra, Cảng Cần Thơ đã vượt khó trên tinh thần cùng khách hàng cộng đồng chia sẻ khó khăn. Qua đó, Cảng Cần Thơ đã thực hiện làm việc online, giảm giá dịch vụ, tạo cơ chế thuận lợi cho khách hàng khi vận chuyển hàng hóa qua cảng…
Bên cạnh việc tác động trên từng lĩnh vực, dịch COVID-19 còn làm thay đổi đáng kể cơ cấu kinh tế của thành phố trong năm 2020 theo hướng tăng tỷ trọng khu vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, giảm tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Cụ thể, khu vực 1 chiếm 10,09%; khu vực 2 chiếm 32,86%; khu vực 3 chiếm 49,89%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 7,16%. Cơ cấu kinh tế nêu trên phù hợp với tình hình phát triển của các ngành, các lĩnh vực trong điều kiện chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chủ động tạo cơ hội
Các chuyên gia kinh tế dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2021 vẫn đứng trước nhiều thách thức. Diễn biến đại dịch COVID-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài. Trong bối cảnh đó, triển vọng kinh tế toàn cầu hết sức khó khăn, kinh tế của các nước là đối tác lớn của Việt Nam cũng đang trong tình trạng suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn có nhiều thời cơ mở ra trong việc khai thác các cơ hội từ sự tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương; sự dịch chuyển và tái định vị các chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế sang những quốc gia có chi phí thấp và an toàn hơn.
Từ thực tế đó, bước sang năm 2021, UBND thành phố đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực kinh tế. Cụ thể, ngành công nghiệp tiếp tục hoàn chỉnh nội dung, triển khai thực hiện Ðề án Tái cơ cấu sản xuất công nghiệp TP Cần Thơ theo hướng hiện đại; xây dựng Ðề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến chuyên sâu TP Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Lĩnh vực thương mại tập trung các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19. Theo dõi tình hình biến động giá cả thị trường, tăng cường sản xuất, dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2021. Về nông nghiệp, tập trung chỉ đạo sản xuất lúa đông xuân, rau màu, cây ăn trái, phát triển nuôi trồng thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm góp phần đảm bảo cung cấp hàng hóa an toàn vệ sinh thực phẩm, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp Tết sắp tới. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, công trình cung cấp nước sạch để đáp ứng hiệu quả những tháng khô hạn sắp đến...
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, khẳng định: Rõ ràng COVID-19 đã mang đến tác động tiêu cực cho nền kinh tế nhưng mặt khác, nó điều chỉnh tư duy, cách tiếp cận, các chiến lược phát triển của các lĩnh vực. Vì vậy, TP Cần Thơ nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng cần tận dụng các ưu thế của mình để phát triển. Ðó là phát triển các ngành có thế mạnh, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19: chế biến nông sản, lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, tận dụng thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư để phát triển kinh tế số, các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao để tạo đòn bẩy phát triển nhanh và bền vững.
Thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Chính phủ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng chủ lực được ưu tiên vay vốn kịp thời để doanh nghiệp có đủ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp cần chủ động cơ cấu lại sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiết kiệm tối đa chi phí nhằm hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh được sản phẩm cùng loại trong và ngoài nước.
Ông Lâm Tiến Dũng, cho biết: "Năm 2021, chúng tôi xác định vẫn duy trì nhịp độ sản xuất, chia sẻ khó khăn với khách hàng; tiếp tục mở rộng thị trường, mở rộng dịch vụ, kết nối chuỗi cung ứng. Thành phố đã định ra chiến lược cụ thể cho 5 năm tới và được Chính phủ quan tâm phát triển, hoàn thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Vì vậy, thành phố cần có chiến lược thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn để hoạt động giao thương vùng ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ thêm nhộn nhịp, sầm uất từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách, góp phần vào sự phát triển chung".
Bài, ảnh: MỸ THANH