01/09/2022 - 22:07

Uống aspirin dự phòng sớm tiền sản giật cho thai phụ 

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Những biến chứng của tiền sản giật, sản giật là nỗi ám ảnh đối với các bà bầu. Phương pháp hiệu quả để dự phòng sớm các nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng cả mẹ và thai nhi, đó là sử dụng aspirin liều thấp. Tuy nhiên, liều dùng và cách dùng phải thông qua chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, dựa trên đánh giá tình trạng sức khỏe của thai phụ.

Từ tuần 11 của thai kỳ, thai phụ cần được tầm soát để phát hiện sớm nguy cơ cao tiền sản giật, điều trị dự phòng hiệu quả.

Các bác sĩ Bệnh viện (BV) Phụ sản TP Cần Thơ áp dụng mô hình quản lý tiền sản giật từ giữa năm 2019. Từ đó đến nay, gần 7.500 thai phụ được sàng lọc, phát hiện gần 1.000 trường hợp nguy cơ cao, được điều trị dự phòng. Ths.BS Lê Hồng Thịnh, Trưởng Khoa Xét nghiệm - Di truyền học, BV Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, tần suất xảy ra tiền sản giật khoảng 2%-5% thai kỳ. Trong đó, khoảng ⅓ trường hợp dẫn đến chuyển dạ non tháng, dưới 37 tuần. Tiền sản giật là nguyên nhân hàng đầu của tử vong mẹ, tử vong thai nhi và các dị tật bẩm sinh. Theo các thống kê, mỗi năm thế giới có trên 50.000 trường hợp tử vong mẹ do tiền sản giật. Những biến chứng nặng nhất dẫn đến tử vong mẹ bao gồm co giật hoặc lơ mơ, xuất huyết não, đột quỵ, hội chứng đông máu và nhất là hội chứng HELLP gây tan máu, tăng men gan và giảm tiểu cầu. Những biến chứng nặng khác bao gồm phù não, nhìn mờ, suy thận, suy gan hoặc phù phổi. Ðối với thai nhi, tiền sản giật liên quan đến tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp cho nhau thai, dẫn đến thai chậm tăng trưởng, ngừng phát triển. Rất nhiều sản phụ bị tiền sản giật cần phải sinh sớm; trẻ sinh non đối mặt rất nhiều nguy cơ như tử vong sơ sinh, xuất huyết não, co giật, khó thở và khó bú, vàng da, bệnh màng trong. Tiền sản giật và sản giật là nguyên nhân của 25% trường hợp thai lưu và tử vong sơ sinh và 15% của trẻ sơ sinh chậm phát triển.

Theo BS Lê Hồng Thịnh, hiện có nhiều phương pháp để phát hiện tiền sản giật trong thai kỳ. Tuy nhiên, hầu hết đều khá trễ khi đến viện và không can thiệp điều trị dự phòng được. Việc áp dụng mô hình mới sàng lọc tiền sản giật sớm từ quý I thai kỳ (tuổi thai 11 đến 13 tuần 6 ngày) giúp phát hiện sớm thai phụ có nguy cơ cao, can thiệp điều trị dự phòng sớm bằng aspirin, giúp giảm tỷ lệ xảy ra bệnh lý tiền sản giật. Ngoài ra, việc sàng lọc tiền sản giật có thể thực hiện thêm ở quý II (tuổi thai 19-24 tuần 6 ngày), quý III (tuổi thai 30-34 tuần). Thai phụ có kết quả sàng lọc rơi vào nhóm nguy cơ cao được bác sĩ theo dõi sát hơn, từ đó có thể chẩn đoán sớm tiền sản giật và giảm các biến chứng nặng của bệnh.

Ghi nhận từ BV Phụ sản TP Cần Thơ, hiệu quả sàng lọc ở thai phụ có tuổi thai dưới 34 tuần, dùng aspirin dự phòng, giảm 82% nguy cơ tiền sản giật; thai dưới 37 tuần, giảm 62% nguy cơ và từ 37 tuần trở lên giảm 5% nguy cơ. Mặc dù y học chưa xác định nguyên nhân chính xác gây tiền sản giật, nhưng nhóm phụ nữ mang thai có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật bao gồm: đã từng xuất hiện tiền sản giật trong những lần mang thai trước; béo phì, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường trước khi mang thai; mang thai đôi, thai ba. Ngoài ra, phụ nữ trên 35 tuổi mang thai cũng có nguy cơ cao, cần được tầm soát và theo dõi chặt chẽ.​

Chia sẻ bài viết