 |
Nữ thợ may tại Iraq. Ảnh: AFP |
Chị Asma Kadhim 40 tuổi kể, cách đây 2 năm chị nhận được một phong bì bên trong có hai viên đạn và lá thư từ một người lạ mặt đứng ngoài cửa sổ đưa vào. Nội dung thư yêu cầu chị phải mau chóng đóng cửa thẩm mỹ viện, nếu không sẽ lãnh hậu quả. Lo ngại tính mạng bản thân và vì muốn đảm bảo an toàn cho gia đình, Kadhim buộc lòng dẹp thẩm mỹ viện đang làm ăn phát đạt tại tỉnh Waziriyah, phía Bắc Thủ đô Baghdad. Cuộc sống của chị bắt đầu thay đổi từ đó. Kadhim chỉ làm mỗi công việc là nội trợ gia đình. Người mẹ có 2 con gái đang tuổi mới lớn này than thở: “Ở nhà là địa điểm duy nhất dành cho phụ nữ Iraq hiện nay. Tình cảnh của chị em chúng tôi rất bi đát. Chúng tôi không có quyền lựa chọn cuộc sống bình thường. Tất cả nữ quyền đều bị tước đoạt”.
Trạc tuổi và cùng hoàn cảnh như chị Kadhim là Eman Ahmad. Cách đây một năm Ahmad là chủ cửa hàng quần áo tại tỉnh Mansour, phía Tây Thủ đô Baghdad. Nhưng gần đây chị cũng phải dẹp tiệm vì những lời đe dọa trừ khử. Ahmad nói trước khi Mỹ đánh chiếm Iraq năm 2003, chị được tự do mua bán và được quyền lái xe hơi riêng.
Asma Kadhim và Eman Ahmad chỉ là hai trong số hàng ngàn phụ nữ Iraq muốn có việc làm độc lập, đang phải đối mặt với cuộc sống hà khắc. Đã có nhiều phụ nữ, và cả nam giới, mở thẩm mỹ viện bị lực lượng Hồi giáo cực đoan đe dọa ám sát hoặc bị giết hại bởi theo chúng, làm đẹp là trái với đạo Hồi.
Báo cáo của tổ chức Phụ nữ vì Phụ nữ quốc tế có trụ sở tại Mỹ công bố ngày 6-3 cho rằng đất nước Iraq ngày nay vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy bạo lực, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, giới lãnh đạo không được dân tin tưởng, tình cảnh phụ nữ bị chuyển đổi từ mô hình độc lập và an ninh trước chiến tranh sang cuộc “khủng hoảng cấp quốc gia”. Báo cáo dẫn lời những phụ nữ được phỏng vấn cho biết có tới 64% phụ nữ thừa nhận tình trạng bạo lực chống lại họ tăng mạnh trong 5 năm qua, 76% số người được hỏi nói trẻ em gái trong gia đình họ bị cấm đến trường, gần 70% đánh giá tỷ lệ người có việc làm ở Iraq rất thấp và 70% cho hay gia đình họ không có nguồn thu nhập đủ để trang trải các chi phí thiết yếu hàng ngày. Phụ nữ không nghề nghiệp và thu nhập ổn định thì số phận của khoảng 2 triệu người góa bụa đang nuôi nấng 6 triệu trẻ em mồ côi cha là một thách thức lớn.
Hãng tin IPS nhấn mạnh phụ nữ ở đất nước vùng Vịnh này thời Saddam Hussein được hưởng nhiều quyền và tự do hơn so với nhiều quốc gia A-rập khác trên thế giới. Thời đó, chính phủ luôn duy trì một xã hội an ninh, nơi mà mọi phụ nữ đều có thể đảm đương những công việc như giáo sư, bác sĩ và quan chức chính phủ. Trong khi đó, việc học hành của trẻ em gái ngày nay cũng bị cấm. Bộ Giáo dục Iraq đầu năm 2007 thừa nhận hơn 70% phụ nữ trẻ không được theo đuổi việc học đến nơi đến chốn để có thể trở thành công dân có ích cho xã hội. Cuối năm ngoái, một nữ sinh bị bắn trọng thương trên đường đi học, hiện bị liệt và luôn sống trong tâm trạng sợ hãi.
Khi được hỏi về tương lai Iraq, một phụ nữ tên Shatha mơ ước nếu trở thành tổng thống Iraq thì điều đầu tiên chị hành động là sẽ yêu cầu Mỹ chấm dứt sự chiếm đóng; thứ hai là giải quyết tình trạng đói nghèo và tạo công ăn việc làm; và thứ ba là tập trung chăm lo nền giáo dục. “Chúng ta không thể có được nền dân chủ thật sự nếu chúng ta không có nền giáo dục dạy cho nhân dân biết phát huy nền dân chủ đó”, chị Shatha bộc bạch.
PHÚC NGUYÊN
(Theo AFP, IPS, Uruknet)