21/06/2019 - 13:02

Ung thư trở thành chủ đề tranh cử ở Mỹ 

Ðường đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã bắt đầu sôi nổi với chiến dịch vận động giành đề cử của ứng viên mỗi đảng; trong đó, cam kết chống ung thư được cả hai phía Dân chủ và Cộng hòa đưa ra.

Ảnh: KTLA

Tối 18-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh) đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ hai tại một sự kiện ở bang chiến trường Florida. Phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ, ông chủ Nhà Trắng đưa ra khẩu hiệu mới: “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại - Keep America Great” với loạt cam kết như tiếp tục ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp, xây tường biên giới, bảo vệ tự do tôn giáo và quyền sở hữu súng.

Đặc biệt, ông Trump gây chú ý với tuyên bố chính quyền sẽ tìm cách xóa sổ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và chữa được ung thư nếu ông tái đắc cử.

Việc Tổng thống Trump tán thành mục tiêu chữa khỏi ung thư lặp lại cam kết trước đó của ứng viên Joe Biden phía đảng Dân chủ. Chủ đề này không có gì bàn cãi nếu trước đó con trai Tổng thống Trump không buông lời chế giễu tham vọng của người được cho sẽ là đối thủ đáng gờm của cha mình. Mặt khác, cam kết của hai ông khiến nhiều người nhớ lại “cuộc chiến chống ung thư” được cố Tổng thống Richard Nixon phát động trước chiến dịch tái tranh cử vào năm 1971.

Theo các chuyên gia, chiến lược của ông Trump và Biden tập trung vào y tế là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng khiến nhiều người hoài nghi liệu những cam kết lớn lao như vậy có khả thi. Bởi qua gần nửa thế kỷ kế hoạch hành động quốc gia chống ung thư của Tổng thống Nixon được thực hiện, Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính có 1.735.350 trường hợp ung thư mới được chẩn đoán ở nước này và 609.640 ca tử vong năm 2018. Trên thực tế, kể cả các nhà khoa học dày dạn nhất cũng không thể dự đoán chính xác khi nào có thể chữa khỏi ung thư.

Dẫu vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng quan tâm của giới lãnh đạo Mỹ trong cuộc chiến với căn bệnh đáng sợ của nhân loại luôn được ủng hộ. Một số người hy vọng các ứng viên có thể đề ra kế hoạch cụ thể ngoài việc tài trợ và thúc đẩy hợp tác khoa học. Trong lĩnh vực này, ông Biden có phần vượt trội so với Tổng thống Trump. Trong khi ông chủ Nhà Trắng từng gây thất vọng với đề xuất giảm 12% nguồn quỹ dành cho Viện Y tế Quốc gia và cắt 900 triệu USD tài trợ của chính phủ đối với Viện Ung thư Quốc gia, ông Biden ngược lại khi giữ chức Phó Tổng thống từng giám sát dự án “Cancer Moonshot” của Nhà Trắng, đầu tư hàng tỉ USD cho nghiên cứu ung thư. Khi rời chính quyền, ông còn thành lập Sáng kiến ​​Ung thư Biden chuyên nghiên cứu căn bệnh này. Bản thân Biden có người con trai qua đời vì ung thư não và đây được cho là lý do khiến ông không ra tranh cử tổng thống năm 2016.

MAI QUYÊN  (Theo Stat News, CBS)

Chia sẻ bài viết