14/08/2013 - 22:17

Kiên Giang

Ứng dụng VietGAP trong trồng khóm, mía và dừa

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang vừa triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác khóm, mía, dừa theo tiêu chuẩn VietGAP ở một số huyện trong tỉnh. Dự án này đã được chính quyền địa phương, bà con nông dân nhiệt tình hưởng ứng và tính thích nghi của giống cây trồng mới đã mang lại hiệu quả khả quan.

Tỉnh Kiên Giang có hơn 6.700ha khóm, 5.600ha mía và hơn 2.300ha dừa. Những năm qua, bà con trồng tự phát những loại cây này, chưa có sự đầu tư hợp lý và hỗ trợ kỹ thuật nên năng suất và chất lượng chưa cao. Từ thực trạng này, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang triển khai dự án ứng dụng kỹ thuật canh tác trên khóm, mía, dừa ở các huyện Châu Thành, Gò Quao và U Minh Thượng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 – 2015. Đối tượng của dự án là những nông dân có đất sản xuất, có tinh thần học hỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo đúng quy trình sản xuất, nhất là sử dụng giống và vật tư nông nghiệp đúng theo yêu cầu của dự án. Đồng thời, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, các cuộc họp do dự án tổ chức.

Dự án trồng khóm, mía và dừa hứa hẹn cho bà con nông dân Kiên Giang lợi nhuận cao, an toàn, phát triển bền vững.

Kỹ sư Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, cho biết: Dự án hình thành nhằm mục tiêu xác định nhu cầu phân bón của từng loại cây và kỹ thuật chăm sóc trên từng loại đất; chuyển đổi một số giống cho phù hợp. Chẳng hạn, phải chọn giống mía mới, ít sâu bệnh; khóm chuyển sang mô hình cấy con, cấy mô; chuyển đổi sang một số giống dừa phù hợp, chất lượng, có giá trị hơn. Theo đó, sẽ từng bước chuyển đổi, nhân rộng theo mô hình tập trung, nâng cao giá trị hàng hóa và sản xuất theo hướng bền vững.

Năm 2013, dự án đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông Khuyến ngư và bà con nông dân ở các huyện Châu Thành, Gò Quao và U Minh Thượng xây dựng mô hình trình diễn trồng mới 55ha khóm, mía và dừa. Bà con tham gia dự án được Nhà nước hỗ trợ 60% tiền giống và một phần vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, nông dân được cán bộ kỹ thuật tập huấn canh tác sử dụng giống mới, ứng dụng kỹ thuật bón phân cân đối và quản lý dịch hại theo chương trình IPM trong suốt quá trình sản xuất. Gia đình bà Lê Thị Liên, ngụ ấp Minh Dũng, xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, có 1ha đất trồng mía. Vụ mía này, bà Liên trồng 0,5ha làm điểm trình diễn giống mía mới K8892 (từ ngày 5-4-2013). Nhờ sử dụng giống mía mới, trồng với mức độ thích hợp, thường xuyên chăm sóc và bón phân theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, nên mía của bà Liên phát triển tốt và vươn lóng nhanh hơn nhiều so với giống mía cũ.

Cùng với việc trồng mới theo kế hoạch, dự án này còn hỗ trợ vật tư, kỹ thuật để bà con nông dân chăm sóc 60ha khóm, mía và dừa đã được trồng trong những năm qua nhằm giúp cây trồng này phát triển tốt, hạn chế rủi ro gặp phải thời tiết bất lợi cũng như sâu bệnh gây hại, tạo điều kiện thuận lợi để cây khóm, mía, dừa đạt năng suất cao.

Ông Phù Khí Nguyên, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Kiên Giang, cho biết: Kết quả bước đầu thực hiện dự án cho thấy, các loại cây trồng trong mô hình trình diễn ở 3 huyện đều thích nghi với điều kiện đất đai ở địa phương, tỷ lệ sống cao. Khóm, mía, dừa phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh và hứa hẹn một mùa vụ bội thu.

Dự án này không chỉ giúp nhà nông có được quy trình mới để sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả mà còn là cơ sở để ngành chuyên môn định hướng phát triển tập trung, quy hoạch vùng nguyên liệu khóm, mía, dừa phục vụ cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm chất lượng theo hướng VietGAP, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: LÊ SEN

 

Chia sẻ bài viết