11/08/2020 - 10:22

Ứng dụng nhiều giải pháp phòng, tránh thiên tai 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2020 nước ta sẽ xuất hiện 11 đến 13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có từ 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng đến đất liền tại khu vực Nam Bộ và vùng ĐBSCL. Đầu tháng 8, bão số 2 xuất hiện, TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL chỉ ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão nhưng đã để lại hậu quả nặng nề cho nhiều gia đình. Mùa mưa bão năm 2020 còn kéo dài, công tác phòng, tránh, ứng phó với thiên tai là giải pháp được các ngành, các cấp và người dân tập trung ứng phó…

Mưa giông gây đổ ngã, tét nhánh cây xanh đè lên xe ô tô tại đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều vào tháng 6-2020.

Trong những ngày qua (từ ngày 1 đến 3-8-2020), ảnh hưởng bởi rìa phía Nam hoàn lưu cơn bão số 2 kết hợp gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trên địa bàn TP Cần Thơ và khu vực ÐBSCL xuất hiện mưa giông diện rộng. Trong đó, lượng mưa đo được từ sáng 1-8 đến sáng 3-8 là 30mm đến hơn 45mm. Ở quận Ninh Kiều, có thời điểm xuất hiện gió giật lên đến cấp 8, làm 17 căn nhà bị tốc mái, xiêu vẹo; 18 cây xanh trên vỉa hè bị tét nhánh, ngã đổ; 2 trụ điện, 3 pano tuyên truyền ngã đổ và hư hỏng 1 xe ô tô. Chị Nguyễn Thị Tâm, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cho biết: “Thời tiết bây giờ bất thường quá. Ngày 2-8, tôi tận mắt chứng kiến cây dầu cao hơn 10m trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh bị mưa giông làm ngã đổ thấy sợ. Bà con nên hạn chế ra đường khi mưa gió”.

Theo thống kê, trong 3 ngày đầu tháng 8-2020, trên địa bàn TP Cần Thơ có 12 căn nhà bị sập, 88 căn bị tốc mái, xiêu vẹo. Ngoài ra, các trận mưa to kèm theo giông lốc còn làm đổ ngã nhiều cây xanh, trụ điện, các biển quảng cáo, tuyên truyền tại các quận, huyện. Rất may, những ngày qua mưa giông không gây thương tích về người, nhưng thiệt hại tài sản trên 1 tỉ đồng…

Hầu hết các địa phương tại ÐBSCL đều bị ảnh hưởng do hoàn lưu cơn bão số 2. Tại Kiên Giang, mưa lớn kết hợp giông lốc trong 3 ngày qua đã làm sập 104 căn nhà và tốc mái 293 căn, ước tổng thiệt hại khoảng 5,3 tỉ đồng. Ở Bạc Liêu, chỉ tính riêng tại huyện Hồng Dân, cơn bão số 2 đã làm trên 50 căn nhà bị hư hỏng. Tỉnh Hậu Giang có 194 căn nhà bị sập và tốc mái…

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP Cần Thơ, nhận định: Năm 2020 tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn diễn biến bất thường. Thiên tai mưa lớn, bão, lốc xoáy... diễn biến phức tạp, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng, khó lường. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, cho biết: “Những tháng sắp đến, mưa lớn, lốc xoáy, triều cường... tiếp tục xuất hiện. Do đó, công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai là giải pháp hữu hiệu mà Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ rất cần người dân thực hiện, tránh chủ quan, lơ là với mưa, bão, triều cường…”.

 Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể các địa phương kịp thời huy động kinh phí, vật tư, nhân lực để hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại khắc phục hậu quả, dựng lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống và sản xuất. Những ngày qua, các địa phương đã thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ” trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả. Tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các quận, huyện đã xuống hiện trường, cùng với UBND các xã, phường có thiệt hại kiểm tra thực địa, trực tiếp chỉ huy công tác khắc phục hậu quả; đồng thời đến thăm hỏi, động viên các hộ gia đình bị thiệt hại; chỉ đạo các lực lượng tại chỗ (quân sự, dân quân tự vệ) khẩn trương hỗ trợ người dân tháo dỡ nhà bị thiệt hại nhằm đảm bảo an toàn cho người dân; kịp thời hỗ trợ, tạm ứng chi phí cho các địa phương hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, ổn định cuộc sống…

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Ngoài khoản hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa từ nguồn Quỹ Phòng chống thiên tai của thành phố, bà con bị ảnh hưởng thiên tai còn được chính quyền địa phương hỗ trợ thêm chi phí từ nguồn vận động các nhà hảo tâm, nhân dân đóng góp. Ðến nay, bà con bị ảnh hưởng đã tạm ổn định cuộc sống và tăng cường thực hiện các giải pháp phòng tránh thiên tai trong thời gian tới”.

Từ đầu năm 2020 đến nay, TP Cần Thơ đã xảy ra 23 đợt mưa lớn kèm theo giông lốc (làm chết 1 người, bị thương 5 người, sập 52 căn nhà; tốc mái, xiêu vẹo 540 căn, ước thiệt hại khoảng 4,6 tỉ đồng); xuất hiện 29 điểm sạt lở (làm sạt hoàn toàn 11 căn nhà, 65 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài sạt lở 1.440m, ước thiệt hại khoảng 16,5 tỉ đồng) và xảy ra 4 vụ sét đánh làm chết 4 người. Ước tổng thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra khoảng 21,1 tỉ đồng. 

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn, giông lốc, thiên tai... gây ra, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ yêu cầu UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó mưa, bão, sạt lở bờ sông và các đợt triều cường trong những tháng sắp tới; theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến tình hình mưa, bão, triều cường trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động ứng phó; vận động người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức kiểm tra, gia cố hệ thống đê bao, bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao... Ðặc biệt, các địa phương nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 08/CT-UBND ngày 23-6-2020 của UBND TP Cần Thơ về việc tăng cường các giải pháp cấp bách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và khi triều cường dâng cao trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó, các sở, ngành, các cấp lập phương án chủ động phòng tránh thiên tai, tai nạn có thể xảy ra, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân; triển khai các chốt cứu hộ, cứu nạn ở các điểm xung yếu, các khu vực nước chảy xiết, khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai; tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông cũng như trực ban 24/24 giờ trong các đợt mưa, bão, triều cường để theo dõi, nắm bắt tình hình và ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra...

Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, nhấn mạnh: “Ban chỉ huy các cấp, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, tránh thiên tai, mưa bão, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó sự cố xảy ra theo phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả trong đó lấy phòng, tránh là chính”. Các ngành và các địa phương chủ động thực hiện các phương án phòng tránh cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng địa phương và đảm bảo thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
tránh thiên tai