Theo Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg (ảnh), quy tắc mới được thiết lập nhằm bảo vệ những doanh nghiệp trọng yếu ảnh hưởng an ninh quốc gia khỏi nguy cơ rơi vào tay những kẻ cơ hội bên ngoài.
Phát biểu hôm 5-6, Bộ trưởng Frydenberg cho biết đây là thay đổi quan trọng nhất đối với luật đầu tư nước ngoài của Úc kể từ năm 1975. Những điều lệ mới sẽ thắt chặt các quy định tạm thời công bố hồi tháng 3 nhằm ngăn tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn bán tháo tài sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Kể từ khi Úc áp đặt các quy tắc giãn cách xã hội vào cuối tháng 3, thị trường chứng khoán nước này đã mất khoảng 189 tỉ USD, tương đương 16% giá trị.
.jpg)
Ảnh: EPA
Dựa trên tài liệu được tiết lộ, Reuters cho biết quy định mới yêu cầu Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài (FIRB) sàng lọc tất cả giao dịch mà thực thể nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực nhạy cảm liên quan an ninh quốc gia, bất kể quy mô của thỏa thuận và người mua là tư nhân hay nhà nước. Theo luật hiện hành, hầu hết các khoản đầu tư tư nhân dưới 190,8 triệu USD đều không cần phải qua đánh giá trong khi hạn mức đối với các công ty thuộc những nước có thỏa thuận thương mại tự do với Úc như Trung Quốc là xấp xỉ 840 triệu USD.
Quy định mới có thể áp dụng đối với hồ sơ dự thầu nước ngoài tham gia thu mua công ty công nghệ, viễn thông, năng lượng, dịch vụ, chuỗi cung ứng quốc phòng và những đơn vị thu thập, lưu trữ, sở hữu dữ liệu nhạy cảm. Bộ Tài chính cũng được phép thay đổi hoặc áp thêm điều kiện kể cả khi các bên đã đạt được thỏa thuận, thậm chí buộc doanh nghiệp thoái vốn nếu xét thấy mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Bộ trưởng Nội vụ Úc Peter Dutton cho biết quy định mới cũng bảo vệ thông tin về sức khỏe và thuế được lưu trữ trên các máy chủ. Ông Dutton khẳng định Úc sẽ không thỏa hiệp về an ninh quốc gia cũng như bất kỳ sự xâm phạm nào đối với thông tin cá nhân của người dân.
Chọc giận Trung Quốc
Theo các nhà quan sát, việc Úc tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài có thể khiến quan hệ đang căng thẳng với Trung Quốc càng thêm trắc trở. Song, cả hai vị bộ trưởng Úc đều phủ nhận động thái này nhắm vào cường quốc châu Á.
Là đối tác thương mại lớn nhất của Úc, Trung Quốc còn mua đất, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp nước sở tại với tốc độ đáng báo động trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường ảnh hưởng trên thế giới. Theo phân tích của Hãng kiểm toán KPMG, Trung Quốc trong thập kỷ qua đã rót hơn 150 tỉ USD bằng cách đầu tư hoặc mua lại các công ty Úc. Nhưng kể từ sau vụ việc gây tranh cãi hồi năm 2015 khi Úc cho công ty tư nhân Trung Quốc thuê cảng nước sâu chiến lược Darwin trong 99 năm, Canberra buộc phải thay đổi quy tắc phê duyệt đối với cơ sở hạ tầng quan trọng. Chính sách này đẩy Trung Quốc từ vị trí thứ 2 xuống thứ 5 trong danh sách các quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài được phê duyệt lớn nhất tại Úc giai đoạn 2018-2019. Riêng năm 2019, đầu tư của Trung Quốc đã giảm gần 50% xuống còn 8,4 tỉ USD.
Trong diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 4-6 cảnh báo giới đầu tư Mỹ cẩn trọng trước “thủ đoạn gian lận kế toán” của những công ty trụ sở tại Trung Quốc. Ông Pompeo đặc biệt ca ngợi quyết định hồi tháng rồi của sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq, theo đó thắt chặt các quy định niêm yết nhằm ngăn các công ty Trung Quốc “xào nấu” số liệu, sổ sách. Theo Reuters, nhận xét của ông Pompeo phản ánh ý định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn tăng cường công cụ kiểm soát nhằm buộc những công ty đại lục tuân thủ nguyên tắc kế toán chống gian lận nếu muốn niêm yết trên sàn chứng khoán tại Mỹ.
Hôm 4-6, 18 nghị sĩ cấp cao đại diện cơ quan lập pháp của 9 quốc gia tuyên bố thành lập “Liên minh Nghị viện về Trung Quốc -IPAC” để đưa ra lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh thông qua các chiến lược tập thể. Trong số này bao gồm những gương mặt nổi tiếng hoài nghi Trung Quốc như hai nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Robert Menendez, thành viên Nghị viện châu Âu Reardard Bütikofer và cựu lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh Iain Duncan Smith.
Trong tuyên bố chung, IPAC xác định Trung Quốc đang trở thành thách thức toàn cầu và cần có nỗ lực đa quốc gia đối phó chính sách đối ngoại ngày càng hiếu chiến của nước này. IPAC nói rõ sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực hoạch định chính sách liên quan Trung Quốc: bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế; giữ vững quyền con người, thúc đẩy công bằng thương mại, xây dựng chiến lược an ninh bổ sung bên cạnh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn quốc gia.
|
MAI QUYÊN (Theo Reuters, AAP)