06/07/2009 - 09:07

Úc nâng bước học sinh nghèo vào đại học

Bộ trưởng Giáo dục Julia Gillard (phải) với sinh viên Úc.
Ảnh: Theage

“Mỗi trẻ em Úc, không phân biệt hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội học tập tới nơi tới chốn, và nếu các em muốn học lên đại học, cánh cửa đó luôn rộng mở”. Đó là phát biểu của bà Julia Gillard, Bộ trưởng Giáo dục Úc, trong dịp phát động chương trình nâng bước học sinh nghèo vào đại học tại Đại học Sydney tháng 6 vừa qua.

Chương trình “La bàn - tìm đường cho bạn lên giáo dục bậc cao” có tổng kinh phí 5,6 tỉ đô-la Úc (81.000 tỉ đồng) do chính phủ Úc, Đại học Sydney và bang New South Wales đóng góp. Chính phủ Úc đặt mục tiêu đến năm 2020, cứ 5 sinh viên đại học ở nước này sẽ có 1 xuất thân từ hoàn cảnh gia đình nghèo khó.

Theo đánh giá của các nhà giáo dục xứ sở chuột túi, sinh viên nghèo vượt khó thường đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Vì thế, mục đích của dự án “La bàn” là nhằm nuôi dưỡng và chắp cánh ước mơ vào ngưỡng cửa đại học cho trẻ em nghèo hiếu học ngay từ khi còn ngồi trên ghế tiểu học.

Tiến sĩ Michael Spence, Hiệu trưởng Đại học Sydney, cho biết “La bàn” được xây dựng dựa trên truyền thống của trường là luôn đồng hành và hỗ trợ dài hạn cho sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dựa theo chương trình Dự bị Đại học. Đây là chương trình học đặc biệt do Đại học Sydney thiết kế, cho phép học sinh hoàn thành chương trình này chuyển tiếp thẳng lên hệ đào tạo cử nhân.

Chương trình sẽ cử đội ngũ đến các trường phổ thông tư vấn cho học sinh, giáo viên và phụ huynh về vai trò, mục đích và khả năng học đại học, cũng như thông tin hỗ trợ tài chính và làm quen với cuộc sống sinh viên. Thông qua các hoạt động ở trường, các trang web hoặc blog, chương trình sẽ sớm định hướng, khuyến khích và giúp học sinh nhận thức rằng khả năng thực hiện nguyện vọng học đại học luôn trong tầm với.

Chịu trách nhiệm giám sát chương trình, phó hiệu trưởng Đại học Sydney Derrick Armstrong cho rằng việc sớm định hướng và khuyến khích học sinh nuôi dưỡng nguyện vọng học lên đại học đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Ngoài ra, quan điểm gia đình cũng là nhân tố chi phối thái độ ham học của con em. “Đó là lý do tại sao chương trình tiếp cận các em, và những người có thể tác động đến các em, ngay từ những năm học đầu, và tiếp tục duy trì sợi dây liên lạc trong suốt giai đoạn phổ thông”, giáo sư Armstrong giải thích.

Dự án “La bàn” sẽ triển khai nhiều chương trình nhằm giúp các trường tham gia nâng cao năng lực giáo viên, hỗ trợ chương trình đào tạo và kích thích ham muốn học tập của học sinh ở các môn khoa học, toán, âm nhạc và công nghệ thông tin qua các trò chơi khoa học và hoạt động ngoại khóa, như cách làm thỏi sô-cô-la hoàn hảo; chơi trò nha sĩ trám răng; nhận dạng sọ não động vật; thử nghiệm máy bay giấy; diễn kịch...

Bên cạnh đó, chương trình sẽ tổ chức các chuyến tham quan Đại học Sydney, cũng như tạo cơ hội cho học sinh tham dự nhiều hoạt động như chương trình trò chuyện “Những khoảnh khắc trọng đại của khoa học” của khoa học gia nổi tiếng Karl Kruszelnicki, tham quan bảo tàng Nicholson và trung tâm nghệ thuật Seymour...

“La bàn” nhắm đến học sinh khối lớp 3, 4, 5 ở bậc tiểu học và 8, 9, 10 ở bậc trung học. Trước mắt, năm 2009, chương trình sẽ tiếp cận khoảng 1.200 học sinh ở 6 trường tiểu học và 2 trường trung học ở Sydney, sau đó mở rộng thêm 8 trường khác vào năm 2010.

THUẬN HẢI (Theo Xinhua, University of Sydney)

Chia sẻ bài viết