09/12/2017 - 15:22

Úc cảnh báo Viện Khổng Tử của Trung Quốc 

Một chuyên gia nổi tiếng của Úc vừa lên tiếng kêu gọi Canberra khẩn cấp rà soát lại việc thành lập các Viện Khổng Tử của Trung Quốc ở nước này. Tuyên bố trên được đưa ra sau thông tin Quốc hội Úc chuẩn bị thông qua dự luật cấm các đảng phái chính trị tiếp nhận những khoản tài trợ nước ngoài để tránh sự can thiệp của thế lực bên ngoài nhằm “gây ảnh hưởng tới tiến trình chính trị” tại Úc.

Một mô hình Viện Khổng Tử của Trung Quốc. Ảnh: The New York Times

Viện Khổng Tử là hệ thống học viện liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc và được thành lập từ năm 2004 nhằm quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Hoa. Thông tin trên tờ China Daily cho biết, hiện có 516 Viện Khổng Tử và 1.076 lớp Khổng Tử tại các trường học trên toàn cầu.

Hồi năm 2011, Bộ Giáo dục bang New South Wales của Úc đã trở thành cơ quan chính phủ đầu tiên trên thế giới liên kết hoạt động với Viện Khổng Tử. Theo thỏa thuận, viện chịu trách nhiệm quản lý các lớp Khổng Tử giảng dạy tiếng Hoa ở 13 trường công lập cấp tiểu học và trung học của New South Wales. Hai trong số 4 vị trí của Viện được tài trợ bởi Bộ Giáo dục New South Wales. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận có trách nhiệm báo cáo chương trình đào tạo và các khoản tài trợ hàng năm về trụ sở Bắc Kinh để “kiểm tra và phê duyệt”.

Bộ Giáo dục New South Wales lý giải mục tiêu của thỏa thuận với Trung Quốc là tăng cường hợp tác giáo dục, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Nhưng ngay trong năm 2011, nghị sĩ bang New South Wales Jamie Parker từng bày tỏ quan ngại trước Quốc hội Úc về hoạt động của các lớp Khổng Tử. Theo ông Parker, các cơ sở này có thể là công cụ tuyên truyền và mở rộng quan điểm của Trung Quốc trong hệ thống giáo dục bản xứ. Còn trong tuyên bố mới đây, cựu Giám đốc phân tích chiến lược Ross Babbage tại Văn phòng Đánh giá Quốc gia Úc cho rằng sự tồn tại của một thực thể do Chính phủ Trung Quốc kiểm soát trong một cơ quan công quyền Úc là “vấn đề rất nghiêm trọng”, thậm chí “không thể chấp nhận được”.

Ý kiến này được đưa ra giữa lúc quan ngại về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các tổ chức tại Úc ngày một gia tăng. Theo quan điểm của Tiến sĩ Marshall Sahlins, thỏa thuận của Bộ Giáo dục New South Wales là “nguy hiểm” khi rõ ràng lợi ích và nhân sự của Trung Quốc không chỉ được cài vào hệ thống trường học của bang mà còn cả cơ quan công quyền phụ trách giáo dục. Tiến sĩ Sahlins là nhà xã hội học nổi tiếng tại Đại học Chicago (Mỹ) và là tác giả quyển sách nói về ảnh hưởng của các Viện Khổng Tử trong đời sống học thuật. Vấn đề đáng quan ngại khác, theo nghiên cứu của Tiến sĩ Falk Hartig tại Đại học Goethe Frankfurt (Đức) về các Viện Khổng Tử ở Úc, đối tượng mục tiêu trong quan hệ cộng tác đặc biệt này phần lớn là các em nhỏ và học sinh trẻ tuổi thay vì những người trưởng thành có thể suy nghĩ cặn kẽ về những gì họ sẽ tiếp thu nếu tham gia Viện Khổng Tử.

Không riêng Úc, làn sóng phản đối các Viện Khổng Tử của Trung Quốc cũng đang lan rộng tại nhiều nước. Theo Guardian, các trường ở Mỹ như Đại học Chicago, Đại học Penn State đã lần lượt đóng cửa các Viện Khổng Tử. Thậm chí, Hiệp hội các Học giả Quốc gia Mỹ còn lên tiếng kêu gọi tất cả trường đại học Mỹ giải tán Viện Khổng Tử của họ sau “những nhượng bộ không đúng đắn, gây nguy hiểm cho tự do học thuật”. Đại học Stockholm (Thụy Điển), Đại học Lyon (Pháp) và Đại học McMaster của Canada cũng nói không với Viện Khổng Tử của Trung Quốc.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết