TRÍ VĂN (Tổng hợp)
Cuộc chiến Nga - Ukraine và các cuộc xung đột vũ trang gần đây cho thấy máy bay không người lái (UAV) là một phương tiện tác chiến mang lại hiệu quả bất ngờ và làm dấy lên lo ngại thế giới sẽ bắt đầu cuộc đua công nghệ vũ trang mới.
Công nghệ UAV được quân đội Mỹ ra mắt trong Thế chiến thứ nhất. Lực lượng này khi đó đã phát triển một ngư lôi phóng từ máy bay để nhắm vào kẻ thù. Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ sản xuất chiếc máy bay điều khiển từ xa đầu tiên có tên OQT, sau đó là triển khai chiếc B-17. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, UAV gắn camera được sử dụng để giám sát đối phương.

UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ hiện được nhiều nước Trung Á tin dùng. Ảnh: AP
UAV trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ
Trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ hồi đầu thế kỷ 21, sự kết hợp của công nghệ vệ tinh và máy tính đa năng đã thúc đẩy sự phát triển của các UAV như General Atomics MQ-1 Predator, phiên bản được thiết kế lại của GNAT-750 dành cho quân đội Mỹ. MQ-1 Predator có thể bay trên không trong thời gian dài và có thể được điều khiển từ một trạm mặt đất ở một quốc gia khác. MQ-1 Predator là UAV hiện đại đầu tiên bay qua Afghanistan có gắn camera giám sát để theo dõi chuyển động của thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Ladin sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993 và các cuộc tấn công của al-Qaeda năm 1998 vào các đại sứ quán Mỹ ở châu Phi.
Sau sự kiện 11-9-2001, UAV trở thành gương mặt đại diện cho cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên toàn cầu. CIA đã triển khai các UAV được trang bị tên lửa Hellfire để nhắm vào những kẻ khủng bố chủ yếu ở Pakistan, Afghanistan và Yemen. Theo Cục Báo chí Ðiều tra (Anh), CIA trong giai đoạn 2010-2020 phát động gần 14.000 cuộc tấn công bằng UAV, khiến từ 8.860-16.900 người thiệt mạng. Ðặc biệt, các cuộc tấn công bằng UAV được coi là yếu tố chính trong chiến lược của Mỹ nhằm loại bỏ các thủ lĩnh của al-Qaeda và tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hiện tại, Mỹ sở hữu kho UAV lớn nhất thế giới. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, đơn vị này vận hành hơn 11.000 hệ thống UAV để hỗ trợ các sự kiện huấn luyện trong nước cũng như các nhiệm vụ ở nước ngoài, trong đó gồm UAV RQ-11B Raven nhỏ gọn hay UAV RQ/MQ-4 Global Hawk/Triton nặng tới 14,5 tấn.
UAV làm thay đổi bản chất xung đột vũ trang
Vài năm trở lại đây, việc sử dụng UAV đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiến hành các cuộc xung đột vũ trang. Loại vũ khí này đảm trách các nhiệm vụ khó khăn hơn, gồm điều phối hành động của lực lượng mặt đất, điều chỉnh mục tiêu của pháo thủ trên máy bay có người lái và pháo binh, xác định hệ thống phòng không của đối phương và ném bom các mục tiêu trên mặt đất.
Và cuộc xung đột Nagorno - Karabakh đã chứng minh một cách sinh động hiệu quả mà UAV mang lại. Theo đó, Azerbaijan đã sử dụng thành công UAV do Thổ Nhĩ Kỳ và Israel sản xuất để phá vỡ thế bế tắc trong cuộc xung đột này, giành lợi thế trước Armenia. Ðáng chú ý, hàng trăm đơn vị thiết bị quân sự đã bị UAV phá hủy trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga tại Ukraine. Qua đó cho thấy rằng thành công trong các cuộc xung đột cục bộ ngày nay sẽ chủ yếu do bên sở hữu lượng lớn UAV và có cách bảo vệ hiệu quả trước các cuộc tấn công của UAV quyết định. Nhiều thiết bị quân sự thông thường như xe tăng, máy bay điều khiển và pháo binh theo đó đang dần trở nên ít thiết yếu hơn.
Xung đột gần đây ở khu vực biên giới giữa Kyrgyzstan và Tajikistan đã làm nổi bật tầm quan trọng ngày càng tăng của UAV trong các hoạt động chiến đấu. Các UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ mà Kyrgyzstan mua vào cuối năm ngoái sớm trở thành nhân tố chính trong cuộc đụng độ của nước này với Tajikistan dù nước láng giềng được trang bị khí tài quân sự vượt trội. Ngược lại, Tajikistan cũng đã quyết định tập trung vào việc mua UAV Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo giới phân tích, “nhờ” những tranh chấp thường xuyên xảy ra giữa các quốc gia Trung Á mà hoạt động kinh doanh UAV của Thổ Nhĩ Kỳ “ăn nên làm ra”. Vào tháng 12-2020, Turkmenistan trở thành quốc gia Trung Á đầu tiên mua UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngay sau đó, cả Uzbekistan và Kazakhstan đã đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua UAV. Giới chuyên gia suy đoán rằng việc các nước trong khu vực tăng cường sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ có thể giúp Ankara tăng cường ảnh hưởng quân sự và chiến lược tại khu vực.
Một ước tính cho thấy, hơn 100 quốc gia và tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới đang sử dụng UAV quân sự được trang bị vũ khí và các công nghệ cao. Con số này đang tăng lên một cách nhanh chóng và UAV đang trở thành thành phần quan trọng trong quân đội ở một số quốc gia. Theo ước tính này, thị trường UAV quân sự dự kiến sẽ tăng từ con số 11,73 tỉ USD năm 2022 lên mức 30,86 tỉ USD vào năm 2029. Hiện tại, các nhà sản xuất và khai thác UAV lớn gồm Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran.