18/06/2024 - 22:55

Tỷ lệ sinh giảm mạnh, Đông Á tìm cách bù đắp tình trạng thiếu quân 

Ðông Á có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, khiến các nước trong khu vực đang đau đầu tìm cách duy trì lực lượng quân sự của mình. Theo báo Business Insider, ngoài mở rộng đối tượng tuyển quân, nâng tuổi nhập ngũ, các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc thậm chí “cầu viện” trí tuệ nhân tạo (AI) như một giải pháp ứng phó với thực trạng dân số suy giảm.

Hàn Quốc lo thiếu người nhập ngũ trong tương lai. Ảnh: Business Insider

 

Cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có tỷ lệ sinh thấp hơn đáng kể so với mức sinh thay thế toàn cầu - trung bình là 2,1 con/phụ nữ. Cụ thể năm 2023, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc là 1 trẻ/phụ nữ, Nhật Bản là 1,2 và Hàn Quốc là 0,72. Nhật Bản cũng là một xã hội “siêu già”, theo sau là Trung Quốc và Hàn Quốc.

Các chuyên gia về Ðông Á nhận định tỷ lệ sinh thấp thực sự là “nỗi lo lớn” vì tình hình nhân khẩu học sẽ không được cải thiện trong tương lai gần, dẫn đến dân số suy giảm. Su Tzu-yun, chuyên gia tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh hàng đầu Ðài Loan (Trung Quốc) cho biết tác động của già hóa dân số được thể hiện theo những cách khác nhau ở 3 quốc gia này. “Ở Trung Quốc, tác động nghiêm trọng nhất sẽ là thảm họa kinh tế, vấn đề trở nên trầm trọng hơn với cuộc chiến thương mại và mất lợi thế về dân số, trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ phải chật vật duy trì quân lực, nhất là lực lượng chính quy” - ông nói thêm.

Theo tạp chí The Lancet, với tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, Hàn Quốc có nguy cơ giảm một nửa dân số vào năm 2100, từ 51 triệu người hiện nay. Ông Ramon Pacheco Pardo, Chủ tịch Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (KF) tại Trường Quản trị Brussels, Ðại học Tự do Brussels (Bỉ), cho biết vấn đề nhân khẩu học đang gây ra mối lo ngại đáng kể trong giới quân sự, đặc biệt là trước mối đe dọa thường trực từ Triều Tiên. “Tôi nghĩ đó là một mối lo ngại lớn và sẽ tiếp tục như vậy vì tình hình nhân khẩu học sẽ không thay đổi gì nhiều” - ông nói.

Hàn Quốc quy định thời hạn đi nghĩa vụ quân sự đối với những nam giới khỏe mạnh là 18 tháng và duy trì lực lượng tại ngũ khoảng nửa triệu binh sĩ. Nhưng một số chuyên gia cho rằng tỷ lệ sinh quá thấp có thể gây ra hệ lụy lâu dài. “Tương lai đã được định trước. Việc cắt giảm lực lượng là điều không thể tránh khỏi” - ông Choi Byung-ook, Giáo sư an ninh quốc gia tại Ðại học Sangmyung, nhận định.

Ðể giải quyết tình hình, Chủ tịch FK Pardo cho biết quân đội Hàn Quốc đang thử nhiều chiến lược khác nhau để tăng số người nhập ngũ, bao gồm tăng lương để biến việc nhập ngũ thành một lựa chọn nghề nghiệp khả thi hơn, cũng như mở rộng tuyển quân đối với nữ giới, điều chưa từng có ở nước này. Một chiến lược khác là sử dụng công nghệ, bao gồm công nghệ tự động hóa và AI. Ông cho rằng sự suy giảm nhân lực quân sự cũng có thể củng cố lập trường về việc sở hữu vũ khí hạt nhân như một biện pháp ngăn chặn Triều Tiên và có thể cả Trung Quốc. “Chúng ta cần phát triển hạt nhân... bởi vì chúng ta không có đủ người để bảo vệ đất nước” - ông nói.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh ngày càng thấp và dân số già là lý do khiến nước này hạn chế nguồn tuyển quân. Tờ Japan Times vào tháng 11-2023 tiết lộ số người đăng ký phục vụ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã giảm khoảng 30% trong 10 năm qua, với số người người nhập ngũ năm 2022 dưới 4.000, chưa bằng một nửa mục tiêu tuyển quân. SDF gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì quân lực, mặc dù đã nâng độ tuổi tuyển dụng tân binh từ 26 lên 32 vào năm 2018, cũng như nới lỏng các quy định lâu đời như cho phép sĩ quan để tóc dài, bãi bỏ lệnh cấm tân binh có hình xăm.

Chris Hughes, giáo sư chuyên về chính sách quốc phòng của Nhật Bản tại Ðại học Warwick, cho biết giống như Hàn Quốc, Nhật Bản đang tính đến tự động hóa và ứng dụng AI để giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu người nhập ngũ. Ông cho biêt nước này đang tự động hóa khá nhiều hệ thống vũ khí, như tàu khu trục, và đẩy mạnh tự động hóa hơn nữa để giảm nhu cầu nhân lực. Trong khi đó, AI có thể được sử dụng để vận hành hệ thống vũ khí, hệ thống chỉ huy và kiểm soát hoặc thu thập thông tin. Ông nói: “Nhật Bản sẽ không bao giờ có dân số đông và không thể cạnh tranh với Trung Quốc. Vì vậy, họ phải cạnh tranh về mặt sở hữu một quân đội tinh nhuệ và có năng lực về mặt kỹ thuật”.

Theo Nikkei Asia, để duy trì quân lực, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng đã tăng tuổi nhập ngũ từ 24 lên 26, đồng thời hạ thấp các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng và thị lực. Hãng tin này cho biết Trung Quốc còn tăng cường chiêu mộ tân binh thông qua các bộ phim chiến tranh kinh phí lớn. Bất chấp những thách thức về nhân khẩu học, dân số đông vẫn cho phép Trung Quốc duy trì quân đội thường trực lớn nhất thế giới, với hơn 2 triệu quân nhân tại ngũ.

Nhìn chung, nhiều quốc gia đang nỗ lực làm chậm làn sóng suy giảm dân số, điều không chỉ ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự của họ mà còn ở các khía cạnh kinh tế, xã hội, dân tộc...

THANH TRÚC (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết