06/12/2021 - 21:53

Tuyên truyền an toàn điện trong sản xuất và thi công công trình 

Để công trình lưới điện được vận hành an toàn, đảm bảo cấp điện ổn định cho thành phố, ngoài tăng cường kiểm tra an toàn hành lang lưới điện cao áp; Công ty Điện lực TP Cần Thơ còn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân, các tổ chức, đơn vị thi công công trình xây dựng… tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn điện. 

Cán bộ, công nhân Công ty Điện lực TP Cần Thơ hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về an toàn điện trong thi công công trình…

Cán bộ, công nhân Công ty Điện lực TP Cần Thơ hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về an toàn điện trong thi công công trình…

Song song với các biện pháp kỹ thuật, kiểm tra hành lang an toàn lưới điện, xử lý kịp thời những vị trí có nguy cơ mất an toàn, Công ty Điện lực TP Cần Thơ còn tăng cường chỉ đạo điện lực các quận, huyện tuyên truyền và hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, các đơn vị thi công các công trình xây dựng nhà ở, cầu, đường, kè sông… tuân thủ các quy định về an toàn điện. Song, hiện vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng nhà ở hay thi công các công trình không chú ý đến khoảng cách an toàn hành lang lưới điện và dẫn đến nhiều sự cố hay tai nạn đáng tiếc xảy ra. Điển hình, vào ngày 23-11-2021 đã xảy ra 1 vụ tai nạn, làm 1 người chết trong lúc thi công công trình kè chống sạt lở sông Giáo Dẫn, thuộc khu vực Bình Khánh, phường Phước Thới, quận Ô Môn. Nguyên nhân, do đơn vị thi công đã vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện trong lúc đóng cọc bê tông xây bờ kè.

Theo ông Nguyễn Công Lực, để bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp cũng như phòng tránh các sự cố xảy ra, khi xây dựng nhà, công trình hoặc làm việc gần công trình lưới điện cao áp, người dân và các đơn vị thi công công trình cần tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Điện lực. Đó là thông báo cho các điện lực địa phương để có hướng dẫn kịp thời, đảm bảo an toàn điện khi xây dựng nhà ở hay thi công công trình gần lưới điện. Theo đó, đối với trường hợp không đảm bảo khoảng cách an toàn, ngành điện sẽ tiến hành cắt điện và tạo các biện pháp an toàn để cho đơn vị thi công. Ngoài ra, trong quá trình thi công, đơn vị thi công phải hướng dẫn công nhân tuân thủ đúng các quy định về an toàn điện và đối với chiều rộng hành lang, dây trần phải đảm bảo 2 mét, dây bọc 1 mét đối với điện áp 22kV và dây trần 4 mét đối với cấp điện áp 110kV; độ cao tĩnh không, tính từ vật cao nhất của nhà hay công trình đến lưới điện phải đạt 3 mét đối với điện áp 22kV; đối với lưới cấp điện 110kV phải đạt độ cao tĩnh không là 4 mét; đối với thiết bị, dụng cụ, phương tiện như xe cẩu, cần cẩu,… làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, khoảng cách tối thiểu từ dây dẫn điện đến điểm gần nhất phương tiện là 4 mét đối với cấp điện áp 22kV và cách 6 mét đối với cấp điện áp 110kV.

Việc áp dụng biện pháp “xông đèn” kích thích cho cây thanh long ra hoa nghịch vụ được nhiều nhà vườn áp dụng, bởi cho hiệu quả kinh tế cao. Song, tình trạng nông dân tự lắp đặt dây dẫn điện từ phía sau điện kế đến nơi “xông đèn” cho cây thanh long vẫn chưa có biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn điện trong sản xuất. Thêm vào đó, phần lớn các hệ thống dây dẫn điện dùng để “xông đèn” thường mắc chằng chịt, kéo ngang kênh mương, không được đi trên sứ an toàn; dây dẫn thường bị bong tróc hoặc bị đứt hở sau một thời gian sử dụng. Điều này, dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn điện trong canh tác nông nghiệp.

Anh Nguyễn Vũ Linh ở ấp Trường Khương B, xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, cho biết: Để gia tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình trồng thanh long ruột đỏ, gia đình tôi đã áp dụng biện pháp “xông đèn” xử lý cho thanh long ra hoa trái vụ. Nhưng sau một thời gian sử dụng, nhiều bóng đèn trong vườn đã bị hư cũ, cần được thay đèn mới và trong lúc thay đèn tôi đã bị điện giựt làm bỏng bàn tay phải. Theo anh Linh, trước khi thực hiện việc thay các bóng đèn bị hư cũ, tôi đã cúp cầu dao điện, nhưng vẫn bị điện giật là do tay tôi bị ướt nước. Thêm vào đó, hệ thống dây dẫn điện cũng như cầu dao phục vụ nhu cầu “xông đèn” cho vườn thanh long cũng đã cũ và xuống cấp sau nhiều năm sử dụng dẫn đến việc nguồn điện chưa được ngắt hoàn toàn, gây ra sự cố…

Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là việc thực hiện “xông đèn” cho cây thanh long, ngành điện lưu ý người dân, nên kéo dây trên các sứ cách điện, đấu nối dây đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và và dây điện được sử dụng phải đạt các tiêu chuẩn về kỹ thuật; đồng thời, lưu ý cúp cầu dao khi không sử dụng; thường xuyên kiểm tra, bảo trì và bảo dưỡng hệ thống điện sau cầu dao. Đặc biệt, khi thu hoạch trái hay thực hiện việc thay đèn hoặc sửa chữa điện cần cúp hẳn cầu dao điện, khi cúp cầu dao điện xong phải dùng bút thử đện hạ áp để kiểm tra phía sau cầu dao (hay áp tô mát) xem có còn điện hay không và treo bảng cảnh báo là “Cấm đóng điện! có người đang làm việc”… nhằm đề phòng khi cắt áp tô mát, nhưng vẫn còn điện và khi đang sửa chữa có người khác đóng áp tô mát mở điện lại có thể xảy ra tai nạn điện.

Bên cạnh sự tích cực của ngành điện trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp, tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn đến người dân, các tổ chức, các đơn vị thi công các công trình... các ngành chức năng thành phố cùng với các địa phương và các chủ đầu tư công trình cần tăng cường kiểm tra, giám sát để có biện pháp xử lý kịp thời đối với các trường hợp chưa thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn trong sản xuất cũng như thi công các công trình xây dựng.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết