20/11/2018 - 09:57

Tuyên bố mới của Nga về tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản

Ngày 18-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố việc quay trở lại định dạng tuyên bố chung năm 1956 trong đàm phán về hiệp ước hòa bình không có nghĩa là “tự động” chuyển giao lãnh thổ của Nga cho phía Nhật Bản. Mát-xcơ-va và Tokyo sẽ có sự nhượng bộ để không đi ngược lại lợi ích quốc gia của mỗi nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Mát-xcơ-va, phát biểu trên kênh truyền hình “Nước Nga - 1”, ông Peskov nhấn mạnh: “Trong những ngày này, chúng ta đã chứng kiến khối lượng lớn thảo luận, phỏng đoán chính trị khác nhau rằng có lẽ đã đạt được thỏa thuận riêng nào đó về việc chuyển giao các hòn đảo... Không phải như thế và không thể như thế”. Tuy nhiên, quan chức Điện Kremlin cũng thừa nhận cần phải có sự nhượng bộ lẫn nhau, nhưng sự nhượng bộ đó không được phép mâu thuẫn với lợi ích quốc gia của một trong hai nước. Nga không thể không tính đến mối quan hệ đồng minh giữa Nhật Bản với các nước khác, trước hết là Mỹ. Vấn đề này sẽ được lưu ý trong quá trình đàm phán và cần phải tìm được giải pháp. Mặc dù việc đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình với Nhật Bản rất phức tạp, song ông Peskov bày tỏ tin tưởng mọi khó khăn sẽ được giải quyết.

Trước đó, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Nhật Bản ở Singapore, ông Peskov cho biết Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí đẩy mạnh đàm phán song phương về hiệp ước hòa bình dựa trên cơ sở tuyên bố chung năm 1956. Theo Tuyên bố chung Nhật Bản-Liên Xô năm 1956, Mát-xcơ-va sẽ trao trả đảo nhỏ Shikotan và đảo Habomai sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Tokyo. Tuy nhiên, đáp trả việc Nhật Bản - Mỹ ký Hiệp ước An ninh năm 1960, Liên Xô đã hủy bỏ cam kết chuyển giao các hòn đảo cho Nhật Bản. Giác thư Chính phủ Liên Xô ngày 27-01-1960 nêu rõ những hòn đảo này sẽ được trao trả cho Nhật Bản chỉ với điều kiện rút hết quân đội nước ngoài ra khỏi lãnh thổ nước này.

Tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông được tổ chức tại Nga hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Putin đã đề xuất Nga và Nhật Bản ký kết hiệp ước hòa bình vào cuối năm nay mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Theo nhà lãnh đạo Nga, việc ký kết hiệp ước hòa bình sẽ góp phần gia tăng mức độ tin cậy giữa hai nước, đưa tới các giải pháp cho vấn đề còn tồn tại. Trong khi đó, Thủ tướng Abe cũng nêu rõ lập trường của Tokyo, rằng nước này sẽ ký kết hiệp ước sau khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết. 

Chia sẻ bài viết