02/10/2023 - 11:30

Tuổi thọ tăng, nhưng số năm sống khỏe giảm 

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9-2-2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân. Dự báo, đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già”.

Già hóa dân số nhanh

Theo Luật Người cao tuổi (NCT): “NCT là công dân nước Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, người dân từ 60 đến dưới 70 tuổi là 9.417.924 người, từ 70 đến dưới 80 tuổi là 4.189.640 người, từ 80 đến dưới 90 tuổi là 1.907.991 người, từ 90 đến dưới 100 tuổi là 623.221 người, từ 100 tuổi trở lên là 41.048 người. Ðiều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển kéo dài hàng trăm năm.

Tại TP Cần Thơ, tuổi thọ trung bình của người dân thành phố năm 2020 là 76 tuổi, năm 2021 là 75,8 tuổi. NCT từ 60 tuổi trở lên năm 2020 là 161.831 người, năm 2021 là 156.150 người.

PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho biết, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhanh hơn so với các dự báo trước đó. Tỷ lệ NCT ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số.

NCT trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thầy thuốc khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại buổi khám, cấp thuốc miễn phí ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Thầy thuốc khám, tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi tại buổi khám, cấp thuốc miễn phí ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Số năm sống khỏe giảm

Dân số Việt Nam đang đối diện với thách thức “kép”: là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, đạt 72,8 tuổi năm 2009 và năm 2022 là 73,6 tuổi. Trong đó nam 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi. Tuy nhiên, số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh chỉ đạt 65 năm. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 73% người già ở Việt Nam không có lương hưu, sống lệ thuộc vào con cái.

Theo PGS.TS Nguyễn Trung Anh, trung bình mỗi NCT có thể mắc trên 3 bệnh lý trong các bệnh lý sau: Ðái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, ung thư, loãng xương, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ… Ðiều này đòi hỏi hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT.

Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam cho rằng, tuổi thọ cao nhưng sức khỏe tuổi già hạn chế. Vì vậy, việc chăm sóc sức khỏe cho người từ 50 tuổi trở lên rất cần thiết để tuổi già sống có chất lượng hơn.

Mặc dù, việc chăm sóc sức khỏe cho NCT là nhu cầu cấp thiết, nhưng hiện nay, dịch vụ y tế cho NCT ở Việt Nam còn hạn chế, thiếu bác sĩ lão khoa, điều dưỡng lão khoa, thiếu nhân lực chăm sóc người cao tuổi… Hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng.

Tại TP Cần Thơ, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thành phố triển khai Ðề án chăm sóc sức khỏe NCT; có câu lạc bộ “NCT giúp NCT”; có các Tổ tình nguyện viên tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT tại xã, phường, thị trấn... Tuy nhiên, do kinh phí rất hạn chế nên tài liệu truyền thông ít, thiếu sinh động, không có kinh phí hỗ trợ cho sinh hoạt câu lạc bộ, tổ tình nguyện viên cũng như tổ chức khám sức khỏe cho NCT...

Một cán bộ làm công tác dân số ở quận Bình Thủy cho biết: “Gần đây, kinh phí cho hoạt động NCT không có nên rất khó tổ chức các hoạt động. Trước đây, có kinh phí, dù không nhiều nhưng chúng tôi có thể phối hợp ngành y tế, ban, ngành và nhà hảo tâm tổ chức sinh hoạt, truyền thông trực tiếp, khám sức khỏe, tặng quà”.

Người cao tuổi ngày càng tăng, trong khi số con, cháu lại giảm. Vì thế cần điều chỉnh các cơ chế, chính sách, đầu tư hiện hành cho phù hợp với thực tế nhằm chăm lo tốt hơn cho NCT, giảm bớt gánh nặng già hóa dân số. Các chuyên gia khuyên NCT nên đi khám sức khỏe định kỳ; tập thể dục đều đặn; dinh dưỡng đầy đủ; không nên uống nhiều rượu, bia, không hút thuốc lá. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, 80% người trung niên, NCT muốn sống ở nhà, cùng gia đình. Vì thế, con, cháu nên gần gũi, chăm sóc NCT những lúc ốm đau, giúp ông bà cảm thấy cuộc sống đầm ấm hơn.

Bài, ảnh: H.HOA

 

Chia sẻ bài viết