19/08/2008 - 22:00

Tuổi 80 vẫn vì mọi người

Ông Nguyễn Văn Ân.  

Một ông cụ gần 80 tuổi, bỏ ra thời gian hơn 8 năm tích góp tiền bạc để đầu tư xây dựng cây cầu bê tông cốt thép với số tiền hơn 150 triệu đồng, giúp người dân đi lại thuận tiện. Không chỉ có thế, ông còn tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương. Người có nghĩa cử cao đẹp đó chính là ông Nguyễn Văn Ân, ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Đã cao tuổi nhưng trông ông Ân vẫn khỏe mạnh, dẫn chúng tôi đến cầu Sa Mao (xã Trung Thạnh) được xây dựng bề thế bằng bê tông cốt thép nối liền 2 ấp Thạnh Lộc 1, Thạnh Lợi. Tay chỉ về hướng cây cầu, ông Ân nói: “Bắc được cây cầu này tôi mừng dữ lắm. Thế là ước nguyện cuối đời của tôi đã thành hiện thực”.

Kinh Sa Mao có chiều ngang hơn 20m, chiều dài hàng chục km, bắt nguồn từ sông Thốt Nốt đổ về tới tận nông trường Sông Hậu.

Trước năm 2008, hai bên bờ con kinh Sa Mao được nối liền bằng những thanh tre và cây dừa. Thế nên từ bà cụ đi chợ cho đến trẻ con đi học đều phải bước chênh vênh trên chiếc cầu lắc lẻo, kể cả khi trời mưa trơn trợt. Nhà ở gần đầu kinh Sa Mao, ông Ân chứng kiến không biết bao nhiêu lần cảnh nhiều người đi qua cầu bị trượt chân rơi tỏm xuống kinh.

 Cầu Sa Mao do ông Nguyễn Văn Ân đầu tư kinh phí xây dựng. Ảnh: V.L

Chính hình ảnh này làm cho ông Ân nhiều đêm phải trăn trở, suy nghĩ. Cuối cùng, ông Ân quyết tâm xây dựng một cây cầu bê tông chắc chắn bắc qua kinh Sa Mao để người dân địa phương đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Ông Ân kể: “Nghĩ thế chứ vào thời điểm trước năm 2000, cuộc sống gia đình còn rất khó khăn nên không đủ tiền để xây cầu”. Nhưng với ý chí và quyết tâm của người nông dân cần cù, chân chất, những khó khăn về tiền bạc không làm ông Ân nản chí.

Đầu năm 2001, khi các con đều đã yên bề gia thất, ông đem số tài sản tích góp cả đời của vợ chồng ông chia đều cho mỗi người con làm của lúc ra riêng. Phần mình, ông Ân chỉ để dành 5 công ruộng dưỡng già. Và từ đây, một kế hoạch “tích tiểu thành đại” để xây cầu đã được ông Ân vạch ra. Con cháu tặng cho ông Ân tiền tiêu xài, dư đồng nào ông Ân gộp chung với số tiền thu lợi từ việc canh tác 5 công ruộng, rồi ông “bỏ ống” để dành. Một năm, hai năm,... nhiều năm dành dụm, ông Ân được số tiền kha khá. Đầu năm 2008, ông Ân quyết định đầu tư số tiền này để xây dựng cầu Sa Mao mà ông đã từng mong ước. Một buổi sáng tháng giêng- 2008, ông Ân đi đến UBND xã Trung Thạnh tìm gặp lãnh đạo xã để bàn chuyện xây cầu. Đề xuất của ông Ân làm nhiều người dân lúc đó có mặt không khỏi ngạc nhiên “vì từ trước đến giờ có cụ già nào gần 80 tuổi ở xã bỏ tiền túi để xây cầu đâu”. Nhiều người còn nói: “Nói khoác lác chứ già như ông Ân làm gì có đủ tiền để xây dựng cây cầu”.

Tuy nhiên, đối với lãnh đạo xã Trung Thạnh thì ý kiến của ông Ân là hoàn toàn nghiêm túc. Vì lãnh đạo của xã này không lạ gì ý định xây dựng cầu Sa Mao của ông Ân. Nhưng kinh phí xây dựng cầu dự tính trên 150 triệu đồng, đây không phải là số tiền nhỏ. Điều này đã làm lãnh đạo xã băn khoăn. Để chứng minh cho quyết tâm của mình, ông Ân khẳng định: “Mấy chú cứ an tâm, tiền tôi để dành nếu xây dựng cầu không đủ thì còn mấy công đất tôi bán luôn, miễn sao cây cầu được xây dựng hoàn thành là tôi vui rồi”. Từ lời nói chắc nịch của ông Ân, UBND xã Trung Thạnh đã nhờ Phòng Giao thông huyện Thốt Nốt thiết kế, dự trù kinh phí cầu Sa Mao. Sau gần 2 tháng thi công, cầu Sa Mao được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cầu Sa Mao có chiều ngang 4m, chiều dài hơn 30m, kinh phí xây dựng hơn 150 triệu đồng. Cùng lúc này, con đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã Trung Thạnh chạy qua các ấp Thạnh Lộc 1, Thạnh Lợi cũng vừa xây dựng xong. Con đường này được nối liền bằng cây cầu Sa Mao, làm cho tuyến đường rộng rãi, thẳng tắp, tạo nên diện mạo mới cho xã Trung Thạnh.

Sự kiện cầu Sa Mao được xây mới bằng bê tông cốt thép, làm người dân địa phương nao nức vui mừng. Hôm khánh thành cầu, người dân tụ họp đông vui như ngày hội. Chị Hà Thị Thanh, ở ấp Thạnh Lợi nói: “Trước kia, còn cây cầu cũ việc đi lại hết sức khó khăn. Tôi có 2 đứa con đang đi học, vợ chồng tôi phải thay phiên nhau đưa chúng nó đi qua cây cầu vì sợ bị trượt chân rơi xuống kinh. May mà có ông Ân bỏ tiền ra bắc cầu mới, giúp cho việc đi lại của người dân hết sức thuận tiện”.

Sau khi xây dựng cầu Sa Mao xong, chi phí xây cầu chẳng những không làm thâm hụt số tiền mà ông Ân đã dành dụm mà còn dư thừa. Thế là ông sử dụng số tiền này để ủng hộ địa phương mua gạo, cất nhà tình thương cho người nghèo. Ông Ân cho biết: “Vợ chồng tôi đã từng sống trong cảnh đói khát, thiếu thốn. Đã trải qua hoàn cảnh như thế nên tôi rất thấu hiểu những cảnh đời cơ cực, nghèo khó. Giờ đây, cuộc sống ổn định, tôi tương trợ, giúp đỡ người nghèo cũng là lẽ thường tình”. Rồi ông Ân tiếp lời: “Có người nói tôi, làm cầu cốt là để được nổi tiếng nhưng nói như thế là không đúng. Làm cầu, trợ giúp người nghèo đâu phải tôi mong được tặng bằng khen, giấy khen, mà chỉ muốn góp chút công sức xây dựng quê hương mình”.

Nói về trường hợp của ông Nguyễn Văn Ân, ông Huỳnh Quang Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thạnh, cho biết: “Xã Trung Thạnh là một xã nghèo, kinh phí dành cho đâu tư xây dựng giao thông nông thôn còn hạn hẹp. Chính vì thế mà sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Ân hết sức có ý nghĩa, giúp giao thông nông thôn của xã thông thoáng, tạo đà phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Không những thế, ông Ân còn là mạnh thường quân thường xuyên đóng góp gạo, tiền giúp đỡ người nghèo. Nghĩa cử của ông Ân thật đáng trân trọng”.

Ghi chép VÂN LÂM

Ghi chép VÂN LÂM

Chia sẻ bài viết