13/05/2010 - 08:59

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc

* HÀ THỊ KHIẾT
Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương đã có bài viết: “ Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc”. Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã để lại cho Đảng, nhân dân, dân tộc ta nhiều di sản tư tưởng, văn hóa có ý nghĩa giá trị nhân văn sâu sắc. Trong đó, tư tưởng của Người về bình đẳng dân tộc đã đặt nền móng cho việc củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể khái quát tư tưởng của Người về bình đẳng dân tộc trên những nội dung chủ yếu sau:

Bình đẳng dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc

Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn lời bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp để khẳng định quyền tự do, bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Bình đẳng dân tộc trong quan niệm của Hồ Chí Minh khác xa bình đẳng dân tộc của giai cấp tư sản. Những gì mà giai cấp tư sản đã làm đối với các dân tộc phụ thuộc và thuộc địa cho thấy những hứa hẹn của họ về bình đẳng dân tộc chỉ là lời nói chứ không hề có trong thực tế. Ngược lại, Hồ Chí Minh cho rằng, bình đẳng dân tộc không chỉ cụ thể hóa về mặt pháp lý, mà quan trọng hơn là phải được thực hiện trên thực tế. Và chính Người đã thực hiện điều đó. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã khẳng định, các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều bình đẳng và Chính phủ sẽ hết sức giúp đỡ các dân tộc thiểu số về mọi mặt. Ngay sau đó, trong Chính phủ, Nha Dân tộc thiểu số được thành lập “để săn sóc cho tất cả đồng bào”. Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng ta tiếp tục đề ra những chính sách nhằm thực hiện bình đẳng dân tộc. Tháng 8-1952, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về dân tộc. Tiếp đó, tháng 6-1953, Chính phủ đã ban hành chính sách dân tộc của Nhà nước Việt Nam với tinh thần cơ bản là đoàn kết các dân tộc trên nguyên tắc bình đẳng, tương trợ lẫn nhau. Hiến pháp của nước ta cũng khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và được cụ thể hóa bằng chính sách dân tộc qua các thời kỳ của cách mạng.

Độc lập dân tộc là cơ sở, điều kiện để thực hiện quyền bình đẳng dân tộc

 Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm miền xuôi sung sướng được gặp Bác Hồ. Ngày 25-11-1965.
Ảnh: TƯ LIỆU

Bình đẳng dân tộc và độc lập dân tộc có mối quan hệ chặt chẽ và có sự tác động qua lại lẫn nhau. Trong đó, độc lập dân tộc là nền tảng để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Khi quốc gia dân tộc bị thống trị bởi đế quốc ngoại bang thì các quyền của mỗi dân tộc cũng bị chà đạp. Do đó, không giành được độc lập dân tộc thì cũng không thể nói tới việc thực hiện bình đẳng dân tộc. Và ngược lại, thực hiện tốt bình đẳng dân tộc là cơ sở để củng cố và giữ vững nền độc lập dân tộc. Thực tiễn lịch sử Việt Nam đã chứng minh điều đó. Khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, chúng đã thi hành những chính sách đi ngược lại với nguyện vọng và quyền của các dân tộc ở Việt Nam. Đó là chính sách “chia để trị”, “dùng người Việt đánh người Việt”, dùng người dân tộc này đánh người dân tộc khác, nhằm chia rẽ các dân tộc, phục vụ cho mưu đồ thống trị của chúng. Vì vậy, có giành được độc lập dân tộc, mới có điều kiện để chăm lo cho đồng bào các dân tộc về kinh tế, văn hóa, giáo dục và y tế. Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng và Chính phủ đã có những kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, từng bước mang lại cuộc sống mới cho đồng bào. Đồng thời, khi chúng ta thực hiện bình đẳng dân tộc thì cách mạng cũng có thêm những nguồn lực quan trọng cho cuộc kháng chiến, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc đến thắng lợi hoàn toàn.

Thực hiện bình đẳng dân tộc là nhân tố quyết định để củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với sự thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xét trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy nếu không xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc thì không có sự bình đẳng giữa các dân tộc. Khi một dân tộc này chà đạp, ép buộc các dân tộc khác thì sớm hay muộn cũng tạo nên sự chia rẽ, ly khai dân tộc. Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy điều đó khi cho rằng để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thì phải thực hiện bình đẳng dân tộc, đại đoàn kết dân tộc không những phải dựa trên nền tảng của khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, mà còn phải thực hiện đoàn kết các dân tộc. Tại Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam, ngày 3-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập... trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy nền độc lập càng cần đoàn kết hơn nữa”. Cơ sở của khối đại đoàn kết dân tộc là bình đẳng dân tộc, vì lợi ích của tất cả các dân tộc trong một quốc gia. Khi các dân tộc được đối xử bình đẳng, cả về nghĩa vụ và quyền lợi, sẽ tạo ra tiếng nói chung và tạo nên sự đồng thuận giữa các dân tộc và ngược lại. Vì thế nếu không đảm bảo và không có những chính sách và hành động cụ thể để thực hiện bình đẳng dân tộc, làm cho bình đẳng dân tộc ngày càng trở thành hiện thực thì khối đại đoàn kết dân tộc sẽ bị lung lay, làm ảnh hưởng đến sự tập hợp lực lượng của cách mạng.

Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, tạo lập sự bình đẳng giữa các dân tộc

Để thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, cần phải có một xã hội mà ở đó quyền bình dẳng giữa các dân tộc có điều kiện và cơ sở để thực hiện. Xã hội đó, không thể khác là xã hội xã hội chủ nghĩa. Kết luận trên của Hồ Chí Minh được Người rút ra trong quá trình khảo nghiệm các con đường cứu nước và trong quá trình khảo sát các xã hội tư bản. Năm 1919, thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Người đã gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi Chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nhưng Chính phủ Pháp đã phớt lờ những yêu sách đó. Từ đó, Người đã hiểu ra rằng, quyền tự do dân chủ mà chủ nghĩa tư bản rêu rao chỉ là cái “bánh vẽ”. Qua quá trình trải nghiệm thực tế ở các nước tư bản, Người rút ra kết luận: “Cách mạng tư sản, là cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”; “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối”. Qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, Hồ Chí Minh rút ra kết luận hết sức cơ bản: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức”. Do đó, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau khi miền Bắc được giải phóng, cách mạng Việt Nam đã thực hiện đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm đem lại hạnh phúc ấm no thực sự cho nhân dân và mang lại quyền bình đẳng cho các dân tộc. Hồ Chí Minh cho rằng Đảng, Nhà nước phải tuyên truyền, vận động đồng bào chung tay xây dựng xã hội mới. Tại Hội nghị tuyên giáo miền núi, ngày 31-8-1963, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm cho đồng bào các dân tộc hiểu được mấy việc: Một là đoàn kết. Hai là làm cách mạng hay kháng chiến để đòi độc lập... Bây giờ mục đích tuyên truyền huấn luyện là: Một là đoàn kết. Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội chính là phương thức để thực hiện bình đẳng dân tộc thật sự.

Đảng, Nhà nước là chủ thể chính trong việc xác lập và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, các dân tộc coi nhau như anh em một nhà và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, trong quan hệ giữa dân tộc đa số có trình độ phát triển cao hơn với các dân tộc thiểu số có trình độ thấp hơn rất dễ nảy sinh tư tưởng kỳ thị dân tộc, và thường có hai thái cực: một là người dân tộc lớn dễ mắc bệnh kiêu ngạo, và hai là cán bộ địa phương, nhân dân địa phương lại dễ cho mình là dân tộc nhỏ bé, tự ti, cái gì cũng cho là mình không làm được, rồi không cố gắng. Người cho rằng, cần phải khắc phục những tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi và tự ti dân tộc. Trong nhiều hội nghị, trong nhiều bài viết, bài nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những từ rất thân mật, ruột thịt để nói về tình đoàn kết giữa các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, như “anh em một nhà”, “giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”... Người nhấn mạnh rằng, đồng bào miền xuôi với trình độ văn hóa, khoa học, kỹ thuật phát triển hơn phải giúp đỡ đồng bào thiểu số, để cùng tiến bộ. Trong bài nói chuyện với cán bộ và học sinh Trường Sư phạm miền núi tại Nghệ An, ngày 9-12-1961, Người nói: “Hồi trước, bọn Tây và vua quan phong kiến làm cho các dân tộc thù ghét lẫn nhau, người Mường ghét người Kinh. Bây giờ các dân tộc đều là anh em cả. Dân tộc nào đông hơn, nhiều người hơn, tiến bộ hơn thì phải giúp đỡ các dân tộc khác để đều tiến bộ như nhau, đều đoàn kết như anh em một nhà”. Trong bài viết nhan đề Một thắng lợi mới đăng trên báo Nhân dân số 3149, ngày 8-11-1962 , Người viết: “Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là: các dân tộc đều bình đẳng và đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt”. Người đã khẳng định nhiệm vụ của Trung ương, Chính phủ và cấp ủy đảng là phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của đồng bào các dân tộc, phải giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số về mọi mặt. Cụ thể là:

Về chính trị : Xóa bỏ những quy định mang tính bất bình đẳng giữa các dân tộc; tẩy trừ thành kiến giữa các dân tộc; các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và mong muốn của mình; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ người dân tộc thiểu số; trong thành phần Quốc hội và Chính phủ phải có đại biểu của các dân tộc thiểu số; Chính phủ phải làm cho các dân tộc anh em dần dần tự quản lý lấy mọi công việc của mình, để mau chóng phát triển kinh tế và văn hóa của mình, để thực hiện các dân tộc bình đẳng về mọi mặt.

Về kinh tế: Khuyến khích khai hoang, mở mang nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, phát triển nghề rừng, trồng cây lương thực và cây công nghiệp, đề phòng sâu bệnh, làm và sửa chữa thêm nhiều đường sá, kết hợp chặt chẽ giao thông với thủy lợi, đẩy mạnh việc cải tiến công cụ, chống xói mòn...

Về văn hóa - xã hội : Chú ý trình độ học thức cho dân tộc, chú trọng bổ túc văn hóa, khuyến khích anh chị em giáo viên miền xuôi xung phong lên miền núi làm công tác giáo dục, phát triển loại trường thanh niên dân tộc vừa học vừa làm, xóa bỏ mê tín hủ tục, phải đẩy mạnh việc vệ sinh phòng bệnh để giữ gìn sức khỏe của đồng bào...

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số, còn lại 53 dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 13,8% dân số của cả nước. Cộng đồng các dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước tạo nên một dân tộc Việt Nam thống nhất. Các dân tộc ở nước ta sinh sống gắn bó với nhau từ lâu đời, đã sớm có ý thức đoàn kết, giúp nhau trong chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Sự đoàn kết gắn bó giữa các cộng đồng dân tộc đã tạo nên một quốc gia đa dân tộc bền vững, thống nhất. Ngày nay, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các dân tộc tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tăng cường đoàn kết, nỗ lực phấn đấu xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc là nhất quán, theo nguyên tắc: các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển. Đây vừa là nguyên tắc, vừa là mục tiêu chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Khẳng định nguyên lý bình đẳng dân tộc, các chính sách dân tộc của Đảng đã được thể chế bằng Hiến pháp, luật pháp và bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã ghi: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số” (1).

Thực hiện Hiến pháp, các bộ luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân... đều thể hiện rõ quyền bình đẳng của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đồng thời, với việc thể chế bằng Hiến pháp và pháp luật, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước được cụ thể hóa trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trong các chương trình, dự án đầu tư phát triển vùng dân tộc và miền núi, trong các chính sách, các quy định cụ thể ở tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội... đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng đã được thể hiện ở các nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã chỉ rõ: “Thực hiện tốt các chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, xóa đói giảm nghèo, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc” (2).

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa IX về công tác dân tộc đã khẳng định chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay là: “Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi, trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái, phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước”(3). Nghị quyết Đại hội X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài của sự nghiệp cách mạng nước ta. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ...”(4).

Xuất phát từ những quan điểm trên, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số được Đảng và Nhà nước ta tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

- Xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

- Phát triển hàng hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng dân tộc. Khuyến khích đồng bào các dân tộc khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương làm giàu cho mình và đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Ưu tiên đặc biệt phát triển giáo dục và đào tạo, coi trọng đào tạo cán bộ và đội ngũ trí thức dân tộc thiểu số.

- Kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, nâng cao dần mức sống của đồng bào các dân tộc, trong những năm qua và nhất là giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số một cách đồng bộ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Đồng thời, đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn miền núi, vùng đồng bào dân tộc như: Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó Chương trình 135 - giai đoạn 2, đang đầu tư cho 1.841 xã và 3.149 thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng vốn đầu tư gần 13 nghìn tỉ đồng; quyết định số 134/2004 về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và tập trung giúp đỡ 62 huyện khó khăn nhất; thực hiện sâu rộng Chương trình xóa đói giảm nghèo và chăm lo các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, người có công với cách mạng.

Với sự quan tâm sâu sắc, chăm lo đầy đủ, cụ thể của Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần nỗ lực, cố gắng của đồng bào các dân tộc, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc đã có bước chuyển biến, tiến bộ đáng kể, cuộc sống của đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện rõ rệt, quyền của các dân tộc thiểu số được bảo đảm đầy đủ và toàn diện; đồng bào các dân tộc luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tích cực phát huy truyền thống cách mạng, yêu nước, tinh thần đoàn kết để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, ấm no, hạnh phúc, như Bác Hồ hằng mong muốn.

---------------------

(1) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Điều 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1992, tr.14-15.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX , NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.46.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.35.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.42.

Chia sẻ bài viết