Từ ngày 1-1-2008, Việt Nam chính thức trở thành ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đánh dấu một thành tựu quan trọng trong chính sách ngoại giao của nước ta và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. TTXVN hôm qua có bài nhận định về sự kiện này như sau:
Ngày 2-1, Việt Nam tham dự hoạt động đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), với cuộc họp của các điều phối viên chính trị, nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự của HĐBA trong tháng 1-2008. Theo thông lệ của HĐBA, mỗi phái đoàn đều phải cử ra một cán bộ làm điều phối viên để phối hợp công việc giữa các phái đoàn, làm đầu mối trao đổi thông tin giữa các phái đoàn, cũng như với Ban thư ký của LHQ, hỗ trợ việc trao đổi thông tin thông suốt giữa phái đoàn tại LHQ với trong nước - và với các phái đoàn khác ngoài HĐBA.
Phát biểu với phóng viên TTXVN, ông Đặng Hoàng Giang, Điều phối viên chính trị Phái đoàn Việt Nam, cho biết: “Các anh em trong phái đoàn phụ trách về các vấn đề HĐBA hầu hết đều là cán bộ trẻ và đầy nhiệt huyết. Chúng tôi rất tự tin đối với công việc của mình. Chúng tôi cho rằng đây chính là dịp để trau dồi kinh nghiệm và bản lĩnh để có thể phục vụ tốt hơn nữa công việc trong thời gian sắp tới và lâu dài hơn nữa. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức mình để làm sao đáp ứng tốt nhất yêu cầu của Nhà nước đặt ra, đảm bảo rằng Việt Nam sẽ hoàn thành trách nhiệm với tư cách là thành viên không thường trực của HĐBA”.
Các hãng tin nước ngoài trong mấy ngày qua đưa tin từ LHQ đều khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của ủy viên không thường trực HĐBA.
Một giáo sư thuộc Đại học George Meson ở Mỹ đề cập tới những việc mà Việt Nam có thể làm tại cơ quan quyền lực hàng đầu LHQ. Theo giáo sư này, Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng với lá phiếu của mình để vừa củng cố được vị thế của mình trên trường quốc tế vừa đáp ứng lợi ích quốc gia, bởi vì mặc dù không có quyền phủ quyết, song lá phiếu của ủy viên không thường trực HĐBA rất quan trọng vì nước nào cũng muốn nhận được sự ủng hộ của đa số tuyệt đối.
Là ủy viên HĐBA, Việt Nam có được “thế” trên trường quốc tế, và “thế” liên minh với các quốc gia lớn mạnh khác. Tại HĐBA - diễn đàn quan trọng nhất về hòa bình và an ninh trên thế giới - Việt Nam sẽ có tiếng nói với vị thế tương đối để thỏa mãn những lợi ích của quốc gia. Khi đảm đương chức vụ Chủ tịch luân phiên HĐBA (tháng 7-2008), Việt Nam có quyền quyết định những vấn đề nào được đưa vào chương trình nghị sự, và những vấn đề đó thường phản ảnh mối quan tâm của mình nhiều nhất.
Trong khi đó, nhiều cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam cho rằng Việt Nam có thể làm được rất nhiều việc khi tham gia HĐBA, và Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực bảo vệ hòa bình và giải quyết xung đột. Theo các cựu chiến binh, thứ nhất, Việt Nam luôn đồng cảm với nguyện vọng hòa bình của người dân trên toàn thế giới. Thứ hai, Việt Nam có kinh nghiệm trong việc giải quyết xung đột trên thế giới. Cuối cùng, Việt Nam thực sự mong muốn giải quyết những vấn đề đó bởi vì hòa bình không những cần cho cả thế giới mà cũng đặc biệt cần cho nhân dân Việt Nam sau nhiều năm sống trong cảnh chiến tranh.