12/02/2008 - 09:23

Ông Lê Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Xi măng Việt Nam:

Từ năm 2009 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng xi măng trong nước

Trước yêu cầu tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư và tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhu cầu sử dụng mặt hàng xi măng (XM) luôn tăng đột biến. Liệu ngành sản xuất XM trong nước có đáp ứng đủ nhu cầu hay phải “nhường” thị trường cho sản phẩm XM ngoại nhập? Phóng viên Báo Cần Thơ đã trao đổi vấn đề này với ông Lê Văn Chung, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty XM Việt Nam.

* Xin ông cho biết những dự báo cụ thể về nhu cầu sử dụng, cũng như khả năng sản xuất đáp ứng của ngành XM trong giai đoạn 2008 đến 2010?

- Căn cứ thống kê thị trường tiêu thụ XM, dự báo nhu cầu sử dụng mặt hàng này toàn xã hội giai đoạn 2008 đến 2010 như sau: Năm 2008 nhu cầu sử dụng XM sẽ từ 40 - 42 triệu tấn. Năm 2009, nhu cầu của thị trường cần từ 46 -48 triệu tấn và năm 2010 sẽ tăng lên ở mức 51-53 triệu tấn.

Về khả năng sản xuất đáp ứng, tổng công suất sản xuất năm 2008 sẽ đạt 38,75 triệu tấn (các nhà máy XM lò quay sản xuất 36,75 triệu tấn, các nhà máy XM lò đứng sản xuất 2 triệu tấn). Năm 2009 công suất sản xuất nâng lên 53,25 triệu tấn (lò quay 50,25 triệu tấn, lò đứng 3 triệu tấn) và đến năm 2010 công suất sản xuất sẽ đạt 67,85 triệu tấn (lò quay 63,45 triệu tấn, lò đứng 4,40 triệu tấn). Như vậy, kể từ năm 2009 trở đi, thì năng lực sản xuất XM trong nước cơ bản đáp ứng được nhu cầu.

* Trong điều kiện ngành XM còn lệ thuộc nhiều từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu và phải luôn chịu áp lực tăng giá, ông có dự báo gì về giá cả mặt hàng XM trong thời gian tới?

Nhu cầu mặt hàng xi măng tăng cao cùng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng. Trong ảnh: Bốc xếp xi măng
tại Cảng Cái Cui. Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN 

- Cũng như các loại hàng hóa khác, giá XM đã và đang chuyển sang thực hiện theo giá thị trường. Trước xu thế giá các loại nguyên nhiên liệu, vật tư đầu vào luôn biến động theo chiều hướng tăng, giá XM cũng sẽ phải điều chỉnh theo là tất yếu khách quan. Riêng năm 2008, các yếu tố đầu vào như than, điện, xăng, dầu, chi phí tiền lương, vỏ bao, vật tư sắt thép, phụ tùng thay thế biến động tăng từ đầu năm, làm cho giá thành XM tăng từ 15 đến 20%, nên giá sản phẩm XM phải điều chỉnh tăng nhằm bù đắp chi phí và có tích lũy cần thiết để phát triển. Song, việc điều chỉnh tăng giá bán XM phải hợp lý trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích doanh nghiệp và lợi ích xã hội, không để xảy ra biến động lớn về giá.

* Trước áp lực nguyên liệu đầu vào liên tục tăng giá, vậy liệu ngành XM có đủ sức cạnh tranh trong điều kiện nước ta đã là thành viên WTO không, thưa ông?

- Do đặc điểm của sản phẩm XM là loại hàng hóa nặng, chi phí vận chuyển, bảo quản lớn (ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và giá thành), nên sự cạnh tranh đối với sản xuất XM sẽ chỉ diễn ra gay gắt trong phạm vi khu vực. Tuy các nước gần ta như Trung Quốc, Thái Lan có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng nếu xét về mặt bằng công nghệ, kỹ thuật sản xuất XM thì nước ta có mặt bằng cao hơn, do hầu hết các nhà máy đều mới xây dựng hoặc đang xây dựng và đều được nhập thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, về tổ chức quản lý các chi phí sản xuất thì chúng ta thực hiện chưa tốt bằng các nước trong khu vực. Do đó việc phải tăng cường các biện pháp quản lý có hiệu quả để làm giảm giá thành sản xuất là nhiệm vụ đang được đặt ra hết sức khẩn trương đối với ngành XM hiện nay.

* Ông vui lòng cho biết thêm về kế hoạch, cũng như định hướng phát triển công nghiệp sản xuất XM trong những năm tiếp theo?

- Hiện nay, quy hoạch phát triển công nghiệp sản xuất XM đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005, với mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp XM Việt Nam đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng trong nước (cả về số lượng và chủng loại) và có thể xuất khẩu khi có điều kiện, đưa ngành XM trở thành ngành công nghiệp mạnh, đủ sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Qui hoạch định hướng phát triển ngành XM được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng quản lý chỉ đạo triển khai thực hiện. Bộ Xây dựng đã chỉ đạo thực hiện đề tài “Nghiên cứu những giải pháp phát triển công nghiệp XM bền vững theo 3 trục: “Kinh tế - Xã hội - Môi trường”. Hiện tại, đề tài này đã được nghiệm thu, đây là cơ sở quan trọng giúp cho các cơ quan quản lý hoạch định chiến lược phát triển ngành XM ổn định, bền vững trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

Huỳnh Văn (thực hiện)

Chia sẻ bài viết