02/04/2023 - 09:30

Từ cho vay đến “cứu trợ” 

HOÀNG NAM (Tổng hợp)

Trong thập niên qua, Trung Quốc đã cho các chính phủ trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu vay những khoản tiền lớn, qua đó tăng cường ảnh hưởng toàn cầu của nước này thông qua siêu dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai, Con đường (BRI)” và trở thành một trong những chủ nợ lớn nhất thế giới.

Người dân Argentina cầm trên tay những tờ tiền nhân dân tệ. Ảnh: CNN

Nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới, Trường Harvard Kennedy, Viện Kinh tế thế giới Kiel và tổ chức chuyên theo dõi viện trợ phát triển quốc tế AidData, cho thấy trong giai đoạn 2000-2021, Trung Quốc đã thực hiện 128 hoạt động cứu trợ tại 22 quốc gia “con nợ” của dự án BRI, gồm Sri Lanka, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Belarus, Ecuador, Ai Cập, Lào, Mông Cổ, Suriname, Ukraine và Venezuela, trị giá tổng cộng 240 tỉ USD. Mặc dù các gói cứu trợ của Trung Quốc vẫn nhỏ hơn so với các gói cứu trợ do Mỹ hoặc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp nhưng Bắc Kinh đã trở thành nhân tố chủ chốt đối với nhiều nước đang phát triển. 

Nghiên cứu cho hay, Mỹ đã thực hiện một chiến lược tương tự như Trung Quốc trong gần một thế kỷ. Tuy nhiên, chính sách cho vay giữa 2 nước cũng có những khác biệt. Thứ nhất, các khoản cho vay của Trung Quốc bí mật hơn nhiều. Hầu hết các hoạt động và giao dịch của nước này được che giấu khỏi sự “dòm ngó” của công chúng. Mặt khác, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC)  không tiết lộ dữ liệu về các khoản vay cũng như các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các ngân hàng trung ương nước ngoài khác. Các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng không công bố thông tin chi tiết về các khoản cho vay của họ đối với các quốc gia khác.

Theo nghiên cứu, trong năm 2010, chưa đến 5% danh mục cho vay nước ngoài của Trung Quốc hỗ trợ các quốc gia gặp khó khăn về tài chính. Ðến năm 2022, con số đó tăng vọt lên mức 60%, qua đó phản ánh việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động cứu hộ và tránh xa các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng vốn là đặc trưng của chiến dịch BRI vào đầu những năm 2010. Trong tổng số 240 tỉ USD cứu trợ, PBoC cấp khoảng 170 tỉ USD, 70 tỉ USD còn lại được các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cho vay, trong đó gồm cả các công ty dầu khí. Nghiên cứu cho thấy hầu hết các “con nợ” của Trung Quốc đều chìm sâu trong khủng hoảng tài chính, và đại dịch COVID-19 đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Chẳng hạn, Argentina tuyên bố vỡ nợ vào năm 2014 và 2020 sau nhiều thập niên vật lộn với nợ công, trong khi Pakistan chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế khi dự trữ ngoại hối giảm dần. Ðược biết, Argentina là “con nợ” lớn nhất của Trung Quốc, với khoản vay lên tới 111,8 tỉ USD, tiếp theo là Pakistan với 48,5 tỉ USD và Ai Cập với 15,6 tỉ USD. Sri Lanka cũng đã vay tiền từ Trung Quốc vào năm 2021 trước khi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị nổ ra một năm sau đó.

Các khoản vay cứu trợ của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những quốc gia thu nhập trung bình, chiếm tới 4/5 tổng số tiền vay. Còn các nước thu nhập thấp được tăng thời gian ân hạn và đáo hạn. “Bắc Kinh cuối cùng đang cố gắng giải cứu các ngân hàng của chính họ. Ðó là lý do vì sao Trung Quốc tham gia vào hoạt động kinh doanh đầy rủi ro là cho vay cứu trợ quốc tế” - đồng tác giả nghiên cứu Carmen Reinhart cho biết.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ hồ sơ cho vay quốc tế của đất nước mình, lưu ý rằng Bắc Kinh cho phép hàng chục quốc gia nghèo nhất thế giới trì hoãn trả nợ vào năm 2020 và 2021. “Trung Quốc đã đình chỉ nhiều khoản thanh toán nợ hơn bất kỳ thành viên G20 nào khác”, ông Tần nhấn mạnh trong bài phát biểu tại hội nghị ngoại trưởng G20 hồi đầu tháng 3 tại Ấn Ðộ.

Chia sẻ bài viết