13/07/2017 - 17:34

TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC CẦN THƠ

Trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế khu vực ĐBSCL

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực y tế, Trường Đại học (ĐH) Y Dược Cần Thơ nỗ lực thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ y tế có trình độ đại học và sau đại học để cung cấp cho khu vực ĐBSCL và các địa phương lân cận. Hơn 12 năm thành lập và phát triển, trường gặt hái kết quả khả quan, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Phát huy thành tựu đó, thời gian tới, tập thể cán bộ, nhân viên, giảng viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ rất cần sự hỗ trợ của Bộ, ngành Trung ương để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ khám chữa bệnh cho người dân ngày càng tốt hơn.

* TRANG BỊ CƠ SỞ VẬT CHẤT

 

 Đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (đứng thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo Bộ Y tế, Thành ủy Cần Thơ tham quan cơ sở vật chất tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ.

Những ngày cuối tháng 9-2014, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Bộ Y tế, lãnh đạo Thành ủy Cần Thơ đến thăm, làm việc với Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giảng viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Tham quan cơ sở vật chất, các khoa, phòng thí nghiệm, thực tập... của trường, vui mừng, phấn khởi trước những đổi thay tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đồng chí Lê Hồng Anh nói: “12 năm thành lập không dài so với lịch sử một đơn vị nhưng với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại ngày nay là quá trình đầu tư xây dựng, đoàn kết để phát triển của lãnh đạo, tập thể giảng viên, nhân viên Trường ĐH Y Dược Cần Thơ”.

Trường ĐH Y Dược Cần Thơ thành lập theo Quyết định số 184/2002/QĐ-TTg ngày 15-12-2002 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Khoa Y - Nha - Dược của Trường ĐH Cần Thơ (thành lập năm 1979), là trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y, dược cho các tỉnh khu vực ĐBSCL và các địa phương lân cận. Thời gian đầu mới thành lập, trường phải đối diện với muôn vàn khó khăn như: không có cơ sở làm việc phải thuê mướn các cơ sở trong thành phố để lập khu hiệu bộ, phòng học, phòng thực tập; một số cán bộ, giảng viên không yên tâm và xin chuyển công tác; tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp về trường làm giảng viên gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm... GS.TS. Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Khó có thể nói hết những khó khăn, thiếu thốn giai đoạn đầu, nhưng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo địa phương, trường từng bước vượt qua những khó khăn, đoàn kết hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực”.

Cũng theo GS.TS Phạm Văn Lình, Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ giai đoạn 1 được phê duyệt là 929,632 tỉ đồng, gồm 16 hạng mục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, trường gặp khó khăn về vốn do hằng năm, Bộ Y tế cấp khoảng 20 đến 25 tỉ đồng, chỉ đủ đền bù, giải phóng và san lấp mặt bằng xây dựng trường. Như vậy, dự án này phải mất từ 40 năm đến 50 năm mới hoàn thành xây dựng giai đoạn 1. Để giải quyết những khó khăn này, ngày 30-6-2009, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 930/QĐ-TTg về việc phân bổ vốn đầu tư xây dựng trường bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, đồng thời nâng cấp dự án đầu tư xây dựng trường lên nhóm A, thực hiện từ năm 2009 đến 2015. Nhờ đó, trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa cơ sở vật chất vào sử dụng như hiện nay.

* ĐỂ NÂNG CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO

Hiện nay, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ san lấp mặt bằng, xây dựng với tổng diện tích trên 31ha, gồm: 6 khoa; 14 phòng, ban, trung tâm và 1 bệnh viện... Trường có tổng số 692 cán bộ, viên chức, người lao động. Trong đó có 2 giáo sư, 10 phó giáo sư, 24 tiến sĩ, 205 thạc sĩ, 21 chuyên khoa II, 319 giảng viên, 137 giảng viên thỉnh giảng. Riêng Bệnh viện ĐH Y Dược Cần Thơ có 298 cán bộ, trong đó có 104 cán bộ cơ hữu, phục vụ giảng dạy, khám chữa bệnh cho nhân dân. Đến năm 2014, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã đào tạo hơn 11.000 cán bộ y tế, trong đó: 7.895 bác sĩ, 1.567 dược sĩ… Từ năm 2015 về sau, Trường dự kiến có từ 1.800 đến 2.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp hằng năm. Đồng thời, đến năm 2020, sẽ có thêm hơn 10.000 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp về phục vụ tại khu vực ĐBSCL. Hiện nay, Trường còn có 42 chuyên ngành, chuyên khoa đào tạo sau đại học với quy mô đào tạo 1.097 học viên. Ngoài ra, Trường còn ký kết, hợp tác với các trường đại học y khoa các nước như: Úc, Hà Lan, Mỹ, Ý, Thái Lan... trong công tác phối hợp giáo dục, đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ và sinh viên của trường. GS.TS. Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết thêm: “Theo kế hoạch, Dự án đầu tư xây dựng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ giai đoạn 1 sẽ kết thúc vào cuối năm 2015, nhưng nguồn vốn cấp còn thiếu 270,81 tỉ. Do đó, nhà trường rất cần các Bộ, ngành Trung ương sớm phân bổ nguồn kinh phí này (từ vốn trái phiếu Chính phủ được phê duyệt theo Quyết định số 3340/QĐ-BYT của Bộ Y tế) để nhà trường đầu tư xây dựng các công trình giai đoạn 1. Đồng thời, Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 từ năm 2016, bao gồm các hạng mục: trung tâm kỹ thuật cao, trung tâm học liệu, nhà thi đấu đa năng, khu ký túc xá... hiện chưa có nguồn vốn đầu tư, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ rất cần Bộ, ngành Trung ương xem xét, phê duyệt dự án và cấp vốn xây dựng giai đoạn 2 của trường để công tác đào tạo ngày càng tốt hơn”.

Tại buổi làm việc với Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, đồng chí Lê Hồng Anh biểu dương Ban Giám hiệu, tập thể cán bộ, giảng viên, y, bác sĩ Trường ĐH Y Dược Cần Thơ nỗ lực vượt khó, xây dựng và phát triển trường cũng như hoàn thành sắc xuất nhiệm vụ thời gian qua. Đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh: “Ban Giám hiệu Trường ĐH Y Dược Cần Thơ cần quan tâm giáo dục tư tưởng, chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên để tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết trong việc xây dựng, phát triển trường; nghiêm túc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thường xuyên quan tâm, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy và học phù hợp nhu cầu thực tế, phát huy khả năng sáng tạo của sinh viên, xây dựng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ xứng đáng là trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực y dược của khu vực ĐBSCL và cả nước; tập trung nghiên cứu sâu về lĩnh vực sinh học, y học, khai thác nguồn dược liệu, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến trong giảng dạy, chẩn đoán, chữa bệnh; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học; tập trung đầu tư xây dựng bệnh viện của trường xứng tầm, góp phần chữa trị bệnh tật, bảo vệ sức khỏe người dân vùng ĐBSCL... Những kiến nghị của trường được ghi nhận, chuyển đến bộ, ngành chuyên môn xem xét, giải quyết và báo cáo kết quả đến Ban Bí thư Trung ương Đảng”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
ĐBSCL