17/12/2019 - 19:46

Trung Quốc "ve vãn" châu Âu 

Trung Quốc hiện đang nỗ lực cải thiện hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) giữa thời điểm quan hệ thương mại-chính trị với Mỹ ngày càng xấu đi thời gian gần đây.

Hôm 13-12, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy phần nào hạ nhiệt cuộc chiến thuế quan giữa hai cường quốc, nhưng căng thẳng gần 20 tháng qua đã giúp Bắc Kinh "thức tỉnh" trước thực tế họ dường như quá phụ thuộc vào Washington trong công cuộc hiện thực hóa tham vọng trở thành siêu cường thế giới.

Ngoại trưởng Trung Quốc (giữa) tại hội nghị ASEM. Ảnh: CGTN

Để thoát khỏi xu hướng này, Tân Hoa xã trích lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết châu Âu chính là đối tác quan trọng và ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh hiện nay. Quan điểm trên được đưa ra khi ông Vương thăm châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), khai mạc hôm 16-12 ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Trong bài phát biểu trước đó tại Trung tâm chính sách châu Âu ở thủ đô Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc là đối tác kinh tế chứ không phải đối thủ của EU. Tuy thương chiến với Mỹ khiến tăng trưởng bị chậm lại, ông Vương xác định 2019 là năm thuận lợi cho quan hệ Bắc Kinh-Brussels. Ngoại trưởng Trung Quốc còn trích dẫn số liệu cho thấy thương mại giữa nước này với EU ước tính tăng 7,7% trong 11 tháng đầu năm 2019. Từ tháng 1 đến tháng 7, đầu tư của EU ở đại lục tăng 18,3% so với năm ngoái và có tới 60% các công ty châu Âu coi Trung Quốc là điểm đến hàng đầu.

Tuy không nêu đích danh Tổng thống Mỹ Donald Trump, Ngoại trưởng Vương Nghị một mặt chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ, mặt khác kêu gọi EU chung tay với Trung Quốc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do. Qua đây, ông đề xuất một hiệp định thương mại tự do giữa hai bên.

Trên đường tới Hội nghị ASEM, đại diện ngoại giao Trung Quốc còn thăm Slovenia trong nỗ lực củng cố quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh với các nước Trung và Đông Âu (CEE). Nêu cao tinh thần thiện chí và cùng có lợi, ông Vương Nghị cho biết sáng kiến 17+1 giữa Trung Quốc với 16 quốc gia CEE và Hy Lạp về bản chất không gây chia rẽ. Vị quan chức này cũng nhấn mạnh cam kết với EU về mô hình Trung Quốc-CEE giúp thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia thành viên và có lợi cho thịnh vượng khu vực.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Trung Quốc-EU vẫn còn vướng rào cản do khác biệt về ý thức hệ và mối quan tâm địa chính trị. Tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh tại Anh đầu tháng này, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lần đầu tiên đề cập những thách thức mới từ một Trung Quốc đang trỗi dậy và tác động của nó tới an ninh khối.

Tuy các lãnh đạo NATO nhất trí giải quyết vấn đề trong tư cách một liên minh, nhưng các quốc gia thành viên nói riêng và cả châu Âu nói chung thực tế vẫn đang chia rẽ về sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh. Điển hình như cách tiếp cận mạng không dây 5G. Hiện các nước Tây Âu như Đức, Ý không có ý định từ bỏ thiết bị của tập đoàn viễn thông Huawei trong khi số khác, chẳng hạn như Thụy Điển, chủ trương ủng hộ lập trường của Mỹ cấm "gã khổng lồ" công nghệ của Trung Quốc vì lý do bảo mật. Một số đồng minh quan trọng của Washington như Anh thì chưa quyết định.

Trước đó, Mỹ đã đưa một số công ty công nghệ Trung Quốc vào "danh sách đen" và khởi động chiến dịch vận động đồng minh châu Âu "tẩy chay" Huawei. Tại cuộc họp ở Tây Ban Nha, ông Vương Nghị đã phản đối chính sách phong tỏa công nghệ và "quyền bá chủ" kỹ thuật số.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết