19/08/2009 - 08:52

Trung Quốc "thâu tóm" các mỏ dầu thế giới

Tiếp tục “tận dụng cơ hội” từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các tập đoàn năng lượng lớn của Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây đã “tậu” được nhiều giếng dầu ở Nam Mỹ, châu Âu, châu Phi và Trung Đông. Mỹ và châu Âu lo ngại các tập đoàn năng lượng của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ trở thành những “gã khổng lồ” mới, đủ sức thách thức vị thế của các “đại gia” năng lượng phương Tây.

Nhật báo Phố Wall hồi tuần rồi cho hay Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) đang theo đuổi kế hoạch mua tất cả hoặc một phần trị giá 14,5 tỉ USD trong tập đoàn năng lượng lớn nhất Argentina YPF. Còn theo tờ Le Monde của Pháp, CNPC và Tập đoàn dầu ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang đàm phán với Repsol của Tây Ban Nha để mua lại 84% cổ phần trị giá lên đến 17 tỉ USD của công ty này trong YPF. Cho dù Repsol đang bị nợ nần chồng chất cần phải bán gấp cổ phần của mình trong YPF, cuộc đàm phán đến nay dường như chưa mang lại kết quả vì nó còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của chính phủ Tây Ban Nha và Argentina. Nếu mọi việc suôn sẻ, đây sẽ là gói đầu tư ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc từ trước đến nay.

Hàng chục tỉ USD mà chính phủ Trung Quốc cho hãng Rosneft của Nga và Petrobras của Brazil vay cũng liên quan đến hợp đồng năng lượng. Với mức vay 10 tỉ USD, Rosneft cam kết sẽ tăng cường xuất khẩu dầu mỏ sang Trung Quốc, trong khi Petrobras sẽ cho phép các công ty năng lượng Trung Quốc tham gia đầu tư vào một mỏ dầu khổng lồ vừa mới phát hiện ở Brazil. Hồi tháng 6, Tập đoàn hóa dầu quốc gia Trung Quốc (SINOPEC) cũng đã mua Addax của Thụy Sĩ với giá 7,2 tỉ USD để giành quyền quản lý hoạt động của công ty này ở Canada, Anh, Iraq, Gabon, Nigeria. SINOPEC và CNOOC hồi tháng 7 vừa qua đã bỏ ra 1,3 tỉ USD để được quyền khai thác một lô dầu ngoài khơi ở Angola từ hãng Marathon của Mỹ. Sau đó, CNPC và tập đoàn BP của Anh đã thắng thầu mỏ dầu Rumaila lớn nhất ở miền Nam Iraq. Trước đó, SINOPEC và CNPC đã hợp tác với tập đoàn Shell của Hà Lan và Anh giành quyền khai thác một giếng dầu ở Kirkuk, miền Bắc Iraq. Và mới đây, ngày 14-8, CNPC và Total của Pháp giành được các hợp đồng lớn về dầu khí tại Venezuela.

Theo các nhà phân tích, sở dĩ Trung Quốc không ngừng đầu tư vào ngành năng lượng vì dự báo cho thấy nhu cầu dầu của nước này sẽ tăng gần 20% trong vòng 6 năm tới, trong đó phải nhập khẩu hơn phân nửa trong số 8 triệu thùng dầu tiêu thụ mỗi ngày. Mặt khác, Trung Quốc đang mang tâm lý hoài nghi về cơ chế thị trường năng lượng tự do kể từ khi bị Washington ngăn cản hợp đồng mua công ty dầu mỏ Unocal của Mỹ cách đây mấy năm. Hơn nữa, Trung Quốc muốn từ từ rút tiền ra khỏi khoản ngoại tệ dự trữ 2.000 tỉ USD trong bối cảnh đồng bạc xanh của Mỹ bị mất giá.

PHÚC NGUYÊN (Theo CNN, Le Monde)

Chia sẻ bài viết