Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa hoàn thành chuyến thám hiểm khoa học biển sâu ở Đại Tây Dương, nơi họ thu thập dữ liệu về môi trường, mẫu đá và sinh vật biển trong bối cảnh giới phân tích Mỹ lo ngại hoạt động này sẽ mang lại lợi thế cho Bắc Kinh trong hoạt động tình báo và khai thác biển sâu.

Shenhai Yihao, tàu mẹ của tàu lặn nghiên cứu Giao Long, cập cảng Thanh Đảo hôm 28-5. Ảnh: SCMP
Theo báo chí Trung Quốc, sau chuyến thám hiểm kéo dài 164 ngày với tổng quãng đường khoảng 57.000km xuyên Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, Shenhai Yihao (Biển sâu số 1), tàu mẹ của tàu lặn nghiên cứu Giao Long (Jiaolong), đã cập cảng Thanh Đảo hôm 28-5.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc thực hiện tổng cộng 46 chuyến lặn để thu thập dữ liệu môi trường cũng như các mẫu sinh học và địa chất. Sun Yongfu, trưởng đoàn thám hiểm và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Biển sâu Quốc gia Trung Quốc, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi sử dụng Giao Long để thực hiện khảo sát ở Đại Tây Dương. Qua khảo sát, chúng tôi hiểu sâu hơn về sự phân bố của hoạt động sinh học thủy nhiệt và kết nối sinh học trên khắp sống núi giữa Đại Tây Dương. Điều này có ý nghĩa to lớn đối với nghiên cứu khoa học biển sâu trong tương lai. Thông qua chuyến thám hiểm, năng lực lặn biển sâu của chúng tôi đã được kiểm chứng đầy đủ” - ông Sun nói.
Được biết, sống núi giữa Đại Tây Dương là một dãy núi được hình thành do sự phân tách liên tục của các mảng kiến tạo, trải dài trên đại dương ngăn cách châu Âu và châu Phi với châu Mỹ. Dãy núi này chứa nhiều khu thủy nhiệt với nhiệt độ cực cao và có hệ sinh thái độc đáo được giới nghiên cứu khoa học quan tâm. Đây hiện là khu vực nghiên cứu trọng điểm về đa dạng sinh học và kết nối ở vùng biển sâu.
Trong chuyến thám hiểm, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã xác định được nhiều vùng thủy nhiệt, thực hiện nhiều chuyến lặn ở 15 vùng thủy nhiệt tại Nam Đại Tây Dương và Bắc Đại Tây Dương để thu thập dữ liệu môi trường như nhiệt độ, nồng độ khí mêtan và khí hydro. Trong quá trình lặn, các nhà khoa học Trung Quốc cũng thu thập các mẫu giun, tôm và trai sống ở các vùng thủy nhiệt, cũng như các mẫu địa chất như đá bazan hay sunfua.
Tờ Guanhai News cho rằng dữ liệu được thu thập trong chuyến thám hiểm có thể giúp lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu về đa dạng sinh học ở Đại Tây Dương, bước đầu cung cấp thêm thông tin chi tiết liên quan tới đặc điểm của đa dạng sinh học trong môi trường thủy nhiệt điển hình ở Đại Tây Dương và các mô hình kết nối của chúng, từ đó cung cấp cơ sở khoa học giúp xác định cách thức kiểm soát môi trường dọc theo sống núi giữa Đại Tây Dương.
Giới phân tích dự báo, hoạt động thám hiểm biển sâu có thể vượt xa hoạt động thăm dò khoa học của Trung Quốc vào năm tới. Theo Viện Tài nguyên Thế giới, Bắc Kinh nằm trong số 169 bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), trong đó đặt ra các quy tắc kiểm soát việc sử dụng và khai thác tài nguyên đại dương, đang chờ quyết định về thời điểm có thể bắt đầu khai thác khoáng sản biển sâu dưới đáy đại dương. Theo CBS News, Trung Quốc được dự đoán sẽ khai thác phần lớn số coban, sunfua và các khoáng chất khác trị giá hàng ngàn tỉ USD được tìm thấy dưới đáy đại dương, bởi Bắc Kinh nắm giữ nhiều điểm thăm dò đại dương hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Song, giới chuyên gia lo ngại, hoạt động thăm dò biển sâu của Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh chiếm lợi thế trong việc thu thập thông tin tình báo đại dương. “Nếu Trung Quốc đang sử dụng các tàu dân sự để thực hiện những cuộc khảo sát đó thì Bắc Kinh dần dần có thể cải thiện khả năng tìm thấy tàu ngầm của Mỹ và đồng minh, bởi họ hiểu rõ hơn về môi trường dưới đáy biển” - Thomas Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm của Hải quân Mỹ, nói trong chương trình “60 minutes” phát trên CBS News.
Đây là lần đầu tàu lặn có người lái của Trung Quốc thực hiện các chuyến lặn ở Đại Tây Dương và cũng là lần đầu tàu lặn Giao Long cùng tàu mẹ Shenhai Yihao nghiên cứu vùng biển sâu tại khu vực. Đoàn thám hiểm khởi hành từ cảng Thanh Đảo hồi tháng 12 năm ngoái, sau đó tiến hành hoạt động khảo sát ở Ấn Độ Dương, Nam Đại Tây Dương và Bắc Đại Tây Dương.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)