22/01/2010 - 09:05

Trung Quốc sắp trở thành siêu cường khoa học

Khoa học thế giới đang phát triển
về hướng Đông.
Ảnh: Getty

Tạp chí Nhà khoa học mới (New Scientist) của Anh đã nhận định như thế trong bài viết “Get ready for China’s domination of science” (tạm dịch Sẵn sàng cho sự thống lĩnh của Trung Quốc về khoa học) vừa được đăng mới đây. Xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978, Trung Quốc từ một nước nghèo đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế lớn trên thế giới. Tuy nhiên, khi đề cập lĩnh vực khoa học và công nghệ, hầu hết mọi người cho rằng Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới. Nhận định này có lẽ đúng ở thời điểm cách đây vài năm.

Với những bước đi rất thầm lặng, hiện Trung Quốc đã trở thành “nhà sản xuất tri thức khoa học” lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ. Nếu tiếp tục đà phát triển như hiện nay, đất nước Vạn Lý Trường Thành sẽ soán ngôi cường quốc khoa học số 1 của Mỹ vào năm 2020. Cả Bắc Mỹ lẫn châu Âu, trước nay vốn thống trị làng khoa học thế giới, sẽ phải thích ứng với một trật tự thế giới mới.

Hàng thập niên qua, ngân sách nghiên cứu khoa học của châu Âu và Bắc Mỹ gần như vẫn giậm chân tại chỗ. Trung Quốc thì khác. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, giai đoạn 1995-2006, tổng ngân sách dành cho nghiên cứu & phát triển (R&D) của nước này tăng bình quân 18%/năm, xếp thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nhật Bản.

Các trường đại học cũng phát triển không kém. Chỉ trong vòng 9 năm, số sinh viên của Trung Quốc đã tăng chóng mặt từ 5 triệu lên 25 triệu. Nước này hiện có khoảng 1.700 viện đại học, trong đó khoảng 100 trường thuộc nhóm “Dự án 211” - đào tạo 80% nghiên cứu sinh tiến sĩ, gần 70% học viên cao học và hơn 30% sinh viên đại học. Các trường đại học cũng là nơi đặt 96% phòng thí nghiệm chủ chốt và tận dụng 70% ngân sách nghiên cứu khoa học. Với đội ngũ sinh viên hùng hậu như thế, số đề tài khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế gia tăng đáng kể. Nếu như năm 1998, số ấn phẩm khoa học của Trung Quốc được công bố chỉ khoảng 20.000 thì đến năm 2006 tăng vọt lên 83.000, và năm vừa qua vượt ngưỡng 120.000 – chỉ thua Mỹ (350.000).

Trung Quốc cũng chú trọng đa dạng hóa các lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nuớc này hiện xuất bản 10% ấn phẩm của thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật, khoa học máy tính, khoa học Trái đất, đồng thời đóng góp 20% thành tựu nghiên cứu toàn cầu về khoa học vật liệu – đi đầu trong nghiên cứu vật liệu composite, gốm sứ, polymer, và có vị trí không nhỏ trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ luyện kim và tinh thể. Bắc Kinh cũng đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu nông nghiệp, sinh học phân tử và y sinh học.

Không nghiên cứu khoa học phía sau những cánh cửa đóng kín, Trung Quốc không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế. Gần 9% công trình nghiên cứu “ra lò” từ các đại học có đồng tác giả là các nhà khoa học Mỹ. Ngoài ra, quốc gia đông dân nhất thế giới còn đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với Anh, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước châu Á khác.

Tất cả những dữ kiện trên có ý nghĩa gì? Trước hết, việc Trung Quốc đang nổi lên là siêu cường khoa học là điều không thể phủ nhận nữa. Vấn đề là khi nào Trung Quốc sẽ trở thành nhà sản xuất tri thức khoa học hàng đầu thế giới. Quan trọng hơn nữa là việc Trung Quốc mở rộng hợp tác nghiên cứu khoa học trong khu vực cho thấy các nước châu Á – Thái Bình Dương không còn dựa dẫm vào mối liên hệ với các viện đại học Mỹ và châu Âu.

Câu hỏi dành cho Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ không còn là “Liệu chúng ta có nên hợp tác với Trung Quốc hay không?” mà nên đổi lại thành “Chúng ta có thể mang đến bàn đàm phán những gì để bảo đảm rằng Trung Quốc muốn hợp tác với chúng ta?”.

BẢO TRÂM (Theo New Scientist)

Chia sẻ bài viết