Ðược ví như đối thủ tiềm năng của các máy bay chở khách do phương Tây sản xuất, mẫu máy bay thương mại “Made in China” đầu tiên C919 đã có bước đột phá bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc bằng màn trình diễn tại Triển lãm hàng không Singapore (Singapore Airshow) 2024.
C919 thực hiện chuyến bay tại Triển lãm hàng không Singapore. Ảnh: China Daily
Khai mạc ngày 20-2, Singapore Airshow 2024 dự kiến kéo dài đến ngày 25-2 và thu hút khoảng 1.000 công ty từ hơn 50 quốc gia và 60.000 du khách tham dự. Hãng tin CNN cho biết sự kiện hàng không vũ trụ và công nghiệp quốc phòng lớn nhất châu Á đang khôi phục quy mô thời điểm trước đại dịch COVID-19, tiếp tục là nền tảng để các nhà sản xuất giới thiệu công nghệ mới và thảo luận những thách thức cấp bách như tính bền vững. Ngoài gian hàng của 2 hãng sản xuất máy bay nổi tiếng Airbus và Boeing cùng nhiều doanh nghiệp liên quan, Singapore Airshow 2024 còn thu hút chú ý bởi gian hàng của Trung Quốc với mẫu máy bay chở khách nội địa C919.
Đối thủ của phương Tây?
C919 là máy bay phản lực thân hẹp cỡ lớn đầu tiên do Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) sản xuất. Ðược quảng bá có thể thách thức sự độc quyền về máy bay toàn cầu của nhà sản xuất Mỹ Boeing và đối thủ Airbus từ châu Âu, C919 có thể chở dưới 200 hành khách và sử dụng động cơ tương tự máy bay chở khách thân hẹp A320neo của Airbus. Từ tháng 9-2022, C919 được Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc cấp phép và China Eastern Airlines bắt đầu vận hành thương mại vào tháng 5-2023.
Tính đến hiện tại, chỉ có số ít quốc gia tự sản xuất máy bay vì rào cản gia nhập ngành rất lớn. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, C919 đã tiêu tốn khoảng 49 tỉ USD cho các chi phí phát triển, sản xuất cùng nhiều hoạt động liên quan. Ngoài kinh phí, sản xuất máy bay còn cần trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cũng như thời gian và nguồn lực khổng lồ. Bất chấp thách thức, Trung Quốc lâu nay không giấu giếm tham vọng phá vỡ sự thống trị của Boeing và Airbus trên thị trường máy bay hành khách toàn cầu. Ðiều này được phản ánh rõ ràng khi Trung Quốc cho ra mắt C919 ở nước ngoài vào thời điểm Boeing đang vật lộn với loạt khủng hoảng về an toàn trong khi Airbus chật vật trong việc tăng cường sản xuất và đáp ứng nhu cầu về máy bay mới.
Trở ngại với Trung Quốc
Theo nhà kinh tế Max Zenglein, mục tiêu lớn của Bắc Kinh hiện nay là biến Trung Quốc thành cường quốc giao thông vận tải toàn cầu. Sau những thành công trong lĩnh vực đường sắt, đường cao tốc và đóng tàu, Trung Quốc hy vọng có thể dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không thương mại vốn là “pháo đài” quan trọng cuối cùng của châu Âu về ưu thế công nghệ. Nhưng đạt được điều này sẽ đặt ra thách thức lớn với Bắc Kinh, đặc biệt khi họ vẫn đang tìm chỗ đứng trong thị trường máy bay chở khách đầy cạnh tranh.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của C919 tại Singapore Airshow 2024 là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang tiếp thị máy bay một cách nghiêm túc. Trong đánh giá chung, Công ty Tư vấn Hàng không Alton thừa nhận một xu hướng ngày càng tăng khi khách hàng đưa tùy chọn C919 vào đánh giá đội bay của họ. Giám đốc điều hành mảng kinh doanh máy bay thương mại của Airbus, Christian Scherer tin COMAC có thể trở thành đối thủ trong dài hạn nhưng không mang lại khác biệt lớn. Bởi với khả năng bay từ 5 đến 6 giờ, C919 là lựa chọn hoàn hảo cho việc di chuyển trong khu vực và có tiềm năng thu hút những quốc gia thân thiện về mặt chính trị với Trung Quốc ở châu Phi và Trung Á. Còn để cạnh tranh với Airbus hoặc Boeing trở thành nền tảng toàn cầu, COMAC cần thâm nhập vào các thị trường lớn ở nước ngoài, đặc biệt là phương Tây. Nhưng hiện những mẫu máy bay COMAC sản xuất vẫn chưa được các cơ quan quản lý hàng không Mỹ và châu Âu chứng nhận. Bên cạnh đó, căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh với Washington và Brussels có thể ảnh hưởng nỗ lực “xuất ngoại” của COMAC do các linh kiện chính như động cơ máy bay, hệ thống điện tử hàng không đều được cung cấp bởi nước ngoài.
MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Japan Times)