18/07/2024 - 09:12

Trung Quốc phủ bóng thượng đỉnh các quốc đảo Thái Bình Dương 

Ngày 16-7, Hội nghị lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương (PALM) lần thứ 10 khai mạc tại Nhật Bản. Ngoài mối lo chung về môi trường và khí hậu, trước thềm sự kiện, Tokyo cũng đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh với các quốc đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng tăng tại khu vực này.

Các nhà lãnh đạo chụp ảnh trước tòa nhà Quốc hội Nhật Bản tại Tokyo. Ảnh: Kyodo News

Thượng đỉnh PALM được tổ chức 3 năm một lần kể từ năm 1997, quy tụ các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản và 18 nước thành viên Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF), bao gồm Úc và New Zealand. Sự kiện năm nay do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đồng chủ trì là hội nghị đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau 6 năm. Trước thềm sự kiện, ông Kishida đã hội đàm song phương với đại diện Papua New Guinea, Tuvalu và Vanuatu.

Trong 3 ngày làm việc, Thủ tướng Kishida và các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương cùng trao đổi quan điểm về giải pháp thích ứng với rủi ro biến đổi khí hậu khi một số nước trũng thấp trong khu vực đang đối mặt mối đe dọa nghiêm trọng từ mực nước biển dâng cao. Các bên cũng thảo luận về độ an toàn của hoạt động xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật Bản. Ngoài những vấn đề trên, Nhật Bản còn đưa ra cam kết hỗ trợ đối tác trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở New Caledonia, giám sát hoạt động đánh bắt trái phép và tình trạng buôn ma túy liên quan tội phạm xuyên quốc gia. Vào ngày bế mạc hội nghị, theo dự thảo tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo dự kiến có thái độ mạnh mẽ trong việc phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép.

Với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật Bản thời gian qua không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng tại Thái Bình Dương, bao gồm chuyến thăm Fiji và Samoa hồi tháng 2 của Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa nhằm vun đắp quan hệ giữa Tokyo và khu vực trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường can dự với các quốc đảo nơi đây thông qua viện trợ về cơ sở hạ tầng và an ninh. Trước đó vào tháng 1, Bắc Kinh đã tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Nauru, chưa đầy 2 tuần kể từ khi quốc đảo này cắt đứt bang giao với Đài Loan. Động thái này tiếp tục dấy lên quan ngại ở Mỹ, Úc, New Zealand và Nhật Bản sau hiệp ước an ninh bí mật mà Trung Quốc ký với Quần đảo Solomon năm 2022.

Phát biểu với đài truyền hình NHK của Nhật, Điều phối viên An ninh quốc gia Palau, Jennifer Anson cho biết nhiều nước thuộc PIF có quan hệ thân thiết với Trung Quốc và không muốn đề cập vấn đề liên quan Bắc Kinh. Dù vậy, bà hy vọng Nhật Bản sau hội nghị sẽ đẩy mạnh hỗ trợ hoạt động giám sát hàng hải giúp theo dõi các tàu nghiên cứu của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Palau.

Trả lời phỏng vấn của báo Nikkei Asia hôm 16-7, Tổng thống Palau Surangel Whipps Jr. cho biết áp lực từ Trung Quốc đang tăng lên “cấp độ mới” sau khi đảo quốc này điều tra đợt tấn công mạng lớn hồi tháng 3 và phát hiện dấu vết vi phạm từ Trung Quốc.

Palau là quốc đảo hiếm hoi trong khu vực còn duy trì quan hệ với Đài Loan.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết