11/12/2016 - 10:40

Trung Quốc làm biến chuyển các nền kinh tế CLM như thế nào?

Trên trang mục thị trường hôm 5-12, hãng tin Bloomberg của Mỹ nhận định, vốn đầu tư từ Trung Quốc đang làm chuyển đổi chưa từng có các nước láng giềng nhỏ bé ở Đông Nam Á khi nhanh chóng biến Campuchia, Lào và Myanmar (CLM) trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng hóa xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thị trường đầu tư và xuất khẩu hàng hóa

Theo Bloomberg, chiến lược trên của Trung Quốc đã giúp nền kinh tế các quốc gia Đông Nam Á đạt tốc độ tăng trưởng vào hàng nhanh nhất thế giới, đồng thời mang lại cho các công ty Trung Quốc những lựa chọn thay thế chi phí thấp, giữa lúc họ muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi nước mình. Chiến lược này cũng giúp nền kinh tế lớn nhất châu Á thích ứng với khả năng Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cản trở quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc. "Trung Quốc chắc chắn đang xem các quốc gia này là nơi họ có thể bán hàng hóa và đạt lợi nhuận cao cho các khoản đầu tư của mình." - Edward Lee, chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Standard Chartered (Singapore), nhận định.

Đặc khu kinh tế Phnôm Pênh, nơi hàng loạt công ty Trung Quốc thiết lập nhà máy. Ảnh: Bloomberg

Phần lớn nguồn vốn Trung Quốc chảy vào các nền kinh tế CLM đều là khoản vay với điều kiện ưu đãi cao dành cho các dự án xây dựng do các công ty Trung Quốc làm nhà thầu, đặc biệt là ở Lào. Ước tính, kể từ năm 2005, mức đầu tư và xây dựng của Trung Quốc tương đương khoảng 15% GDP của Lào. Phần lớn nguồn thủy điện của Lào là do các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng.

Trung Quốc hiện đang đầu tư vào mọi thứ, từ đường sắt tới bất động sản ở CLM - ba nền kinh tế thị trường sơ khai của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Theo Bloomberg, tập đoàn đầu tư Minsheng lớn nhất của Trung Quốc và tập đoàn LYP của Campuchia mới đây đã ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỉ USD (gần 10% GDP 15,9 tỉ USD của Campuchia) nhằm xây dựng một khu đô thị rộng 2.000 hectare gần Thủ đô Phnôm Pênh, trong đó gồm một trung tâm hội nghị, khách sạn, sân golf và nhiều công viên giải trí.

Các nền kinh tế CLM đang ngày càng rộng cửa cho chuỗi phân phối của Trung Quốc, mua hàng hóa trung gian từ các nhà máy Trung Quốc và bán những mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép vốn do các công ty Trung Quốc sản xuất. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc tới 3 nền kinh tế Đông Nam Á này đã tăng gấp hơn 2 lần trong 5 năm qua.

Vành đai, con đường và rủi ro

Tại Lào, tuyến đường sắt Trung-Lào trị giá 5,4 tỉ USD, với chiều dài 414 km nối biên giới Trung Quốc với Thủ đô Viêng Chăn của Lào vốn là một phần trong chiến lược "Một vành đai, Một con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng, đã được khởi công xây dựng vào năm ngoái.

Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi - Bộ trưởng Ngoại giao, Cố vấn Nhà nước Myanmar đã nhanh chóng thể hiện thái độ thân thiện với Trung Quốc sau khi đảng Liên đoàn Dân chủ Quốc gia (NLD) của bà lên cầm quyền ở Myanmar hồi cuối tháng 3 năm nay. Đáng chú ý nhất là việc bà đã có chuyến thăm tới Bắc Kinh cách đây không lâu. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch thương mại của nước này năm 2015. Bắc Kinh đồng thời cũng đang xây dựng một đặc khu kinh tế, nhà máy điện và một cảng biển nước sâu ở phía Tây Myanmar.

Sự đầu tư của Trung Quốc góp phần giúp các nền kinh tế CLM đạt mức tăng trưởng dự kiến lần lượt 7%, 7,5% và 8,1% trong năm nay. Mức tăng trưởng kinh tế của Myanmar được coi là nhanh nhất thế giới.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc quá mức từ Trung Quốc cũng kèm theo những rủi ro. Trung Quốc chiếm khoảng 43% tổng số nợ quốc gia của Campuchia, mà phần lớn đến từ các khoản vay của các ngân hàng phát triển Trung Quốc. Tuyến đường sắt 5,4 tỉ USD mà Trung Quốc đang xây dựng kết nối với Thủ đô Viêng Chăn cũng tương đương gần phân nữa GDP 10,5 tỉ USD của Lào.

Sự chuyển đổi nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia là phần trong chiến lược xuất khẩu năng lực công nghiệp theo sáng kiến "Một vành đai, Một con đường". Lương trung bình hàng tháng ở Campuchia là 121 USD, chỉ bằng 1/5 so với mức lương trung bình 613 USD/tháng tại Trung Quốc. Mà phần lớn các nhà máy may mặc ở Campuchia do Trung Quốc đầu tư chủ yếu làm gia công nên họ không có động lực và tính độc lập phát triển.

Và theo ông Song Seng Wun, chuyên gia kinh tế của ngân hàng tư nhân CIMB (Singapore), nguy cơ lớn nhất đối với các nền kinh tế phụ thuộc là việc Trung Quốc bơm tiền tạo ra một nhóm lợi ích đầy quyền lực. "Những nền kinh tế này gặt hái nhiều tiền bạc và cơ hội, nhưng sự giàu có tập trung vào tay một nhóm người thì sẽ dẫn tới nhiều vấn đề và bất ổn" - ông Song cảnh báo.

TRÍ VĂN (Theo Bloomberg)

Chia sẻ bài viết