30/09/2019 - 20:57

Trung Quốc khó đạt cam kết về biến đổi khí hậu 

Tại Khu tự trị Nội Mông, người ta dễ dàng nhìn thấy những làn khói trắng dày đặc từ ống khói khổng lồ của nhà máy nhiệt điện Mengneng Xilin mà Trung Quốc tuyên bố ngừng xây dựng cách đây 2 năm. Việc vận hành và tiếp tục xây mới các nhà máy điện đốt than cho thấy nước này khó cắt giảm khí thải nhà kính như đã nhiều lần cam kết.

Nhà máy nhiệt điện Mengneng Xilin. Ảnh: CNN

Nhà máy nhiệt điện Mengneng Xilin. Ảnh: CNN

Nhà máy nhiệt điện Mengneng Xilin, dự kiến cung cấp 700 megawatt điện cho miền Bắc Trung Quốc, đã bị Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc ra lệnh ngừng xây dựng vào tháng 1-2017 trong kế hoạch loại bỏ tình trạng cung vượt cầu do ồ ạt cấp phép xây dựng hoặc xây dựng trái phép hàng loạt nhà máy nhiệt điện. Đây cũng là một phần trong cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào than cũng như giảm lượng phát thải khí carbon vào năm 2030. Nhưng dù Bắc Kinh đã nhắc lại cam kết cắt giảm khí thải nhà kính tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) tuần trước, ít nhất 3 nhà máy nhiệt điện than quy mô lớn vẫn đang hoạt động hoặc đang được xây dựng ở Nội Mông.

Li Shuo, cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace), cho biết giới chức các tỉnh thành cũng như giới lãnh đạo doanh nghiệp đã phản ứng với lệnh đình chỉ xây dựng các nhà máy nhiệt điện than hồi năm 2017 của chính phủ, dẫn đến tình trạng âm thầm phê duyệt một số nhà máy điện than mới. Ông Li cho rằng nguyên nhân chính là kinh tế, vốn tăng trưởng vượt trội trong nhiều thập kỷ qua, nhưng nay có dấu hiệu suy thoái do tác động tiêu cực từ thương chiến Mỹ-Trung. Thống kê cho thấy, GDP của Trung Quốc trong quý II chỉ tăng 6,2%, thấp nhất trong gần 30 năm qua. “Đây thực sự là điều mà chúng tôi nhận thấy trong vài năm qua. Bất cứ khi nào nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, các nhà hoạch định chính sách đều có xu hướng nới lỏng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Và Nội Mông thực sự là điểm nóng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở nước này” - ông Li nói.

Trung Quốc là nhà sản xuất và tiêu thụ than đá lớn nhất thế giới, vượt xa các nước Mỹ, Ấn Độ và Úc. Nhưng trong bối cảnh lo ngại về khí thải nhà kính và biến đổi khí hậu gia tăng, dư luận trong nước và quốc tế kêu gọi Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Năm 2017, ông Tập Cận Bình tuyên bố đối phó ô nhiễm và khí thải nhà kính sẽ là một trong “3 trận chiến” của ông, cùng với chấm dứt đói nghèo và nợ công quá mức. Trên thực tế, Trung Quốc được xem là nước đứng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hồi năm 2017. Trong năm 2018, 59% năng lượng của Trung Quốc đến từ than đá, 22% từ khí đốt, năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo. Đến năm 2020, Bắc Kinh cam kết giảm mức phụ thuộc vào than xuống còn 58% và nỗ lực đạt mục tiêu sản xuất 20% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2030.

Mengmeng Xilin không phải là nhà máy điện than duy nhất đã âm thầm khởi động lại việc xây dựng hoặc hoạt động kể từ năm 2017. Theo CNN, nhà máy Huaneng North Victory dự kiến bắt đầu hoạt động vào tháng 10-2019, công suất hơn 1.000 megawatt điện và nhà máy Datang dự kiến hoàn thành vào tháng 7-2020, cung cấp 1.320 megawatt điện. Giới chuyên gia cho rằng tình trạng một số nhà máy điện than mới âm thầm được phê duyệt không chỉ khiến cuộc sống của người chăn nuôi gia súc ở Nội Mông gặp khó khăn mà nó còn cản trở nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu toàn cầu.

Theo Climate Action Tracker - một tổ chức nghiên cứu độc lập giám sát cam kết và hành động của các nước về cắt giảm khí thải - lượng khí thải carbon của Trung Quốc đã tăng ước tính 2,3% trong năm 2018, năm thứ hai liên tiếp gia tăng sau giai đoạn chựng lại từ năm 2014 đến 2016. Ông Li của tổ chức Greenpeace nhận định rằng mặc dù Trung Quốc trở thành nhà phát triển và đầu tư lớn nhất về công nghệ năng lượng tái tạo tiên tiến nhất nhưng mặt khác, nước này vẫn đang bơm tiền vào phát triển nhiệt điện than, cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài.

TRÍ VĂN (Theo CNN)

Chia sẻ bài viết