04/05/2021 - 00:44

Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường xây dựng châu Phi 

Với ưu thế cạnh tranh về giá, nhà thầu Trung Quốc được dự đoán tiếp tục thống trị ngành công nghiệp xây dựng châu Phi dẫu hệ thống ngân hàng trong nước thận trọng hơn khi nhiều quốc gia ở lục địa này lún sâu vào nợ nần.

Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Ảnh: Xinhua

Triển vọng này được phản ánh qua việc Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) thắng thầu dự án xây dựng tuyến đường dài 453km trị giá 166 triệu USD tại Kenya. Ðây là một phần trong “siêu dự án” nối Kenya với Ethiopia và Nam Sudan. Hợp đồng được ký gần một tuần sau khi quốc gia Ðông Phi thông báo cảng biển mới do công ty quốc doanh Trung Quốc xây dựng sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 6. Trước đó, CCCC cũng thắng dự án trị giá 480 triệu USD xây dựng 3 trong số 32 cầu cảng. Trong khi đó, China Merchants Group đang xây dựng và vận hành các cảng ở châu Phi, còn “gã khổng lồ” công nghệ Huawei tiếp tục dẫn đầu thị trường cung cấp thiết bị viễn thông ở lục địa này khi hỗ trợ nhiều quốc gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho mạng 5G.

Theo báo cáo của Hãng tư vấn Deloitte, Trung Quốc năm ngoái chiếm 31,4% các công trình hạ tầng đang được xây dựng ở châu Phi. Riêng tại Ðông Phi, khoảng một nửa hoạt động xây dựng là do các công ty Trung Quốc phụ trách, đưa Bắc Kinh trở thành bên can dự lớn nhất trong sự bùng nổ cơ sở hạ tầng của khu vực. Gyude Moore, chuyên gia cấp cao của Trung tâm Phát triển Toàn cầu trụ sở tại Washington, thừa nhận các doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường xây dựng lục địa đen và thành công phần lớn nhờ vào giá cả cạnh tranh. Theo vị cựu Bộ trưởng Công chính Liberia này, chất lượng công trình của nhà thầu Trung Quốc có thể kém hơn so với đối tác phương Tây nhưng tốc độ hoàn thành nhanh và chi phí thấp hơn đáng kể là lợi thế giúp họ liên tục thắng thầu ở thị trường mới nổi và “nhạy cảm” về giá cả như châu Phi. Chuyên gia Zhou Yuyuan tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải bổ sung thêm, hợp đồng mà công ty Trung Quốc giành được chủ yếu là các công trình như giao thông, nhà máy điện và cảng vốn ít được phương Tây quan tâm do tốn kém và khó tài trợ.

Một yếu tố nữa giúp các công ty Trung Quốc trở nên hấp dẫn là khả năng tiếp cận nguồn vốn từ chính phủ thông qua Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Thành lập năm 1994, cơ quan này hoạt động với tôn chỉ hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu Trung Quốc trong tiến trình quốc tế hóa. China Eximbank cũng không giấu giếm khi công khai sứ mạng hàng đầu của họ là phục vụ cho Sáng kiến “Vành đai, Con đường”. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, ngân hàng này bắt đầu thận trọng và thu hẹp nguồn hỗ trợ tài chính cho châu Phi trong bối cảnh nợ nần ở địa lục đen ngày càng tăng. Dù vậy, tình hình này được dự đoán không làm khó các nhà thầu xây dựng khi nhiều nhà băng bắt đầu đẩy mạnh hoạt động ở nước ngoài. Theo Ðại học Johns Hopkins, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc từ vị thế khiêm tốn trong giai đoạn 2000-2009 đã vươn lên trở thành nhà cung cấp tài chính lớn thứ hai ở châu Phi, chiếm 30% tương đương 37 tỉ USD trong tất cả cam kết cho vay của Trung Quốc một thập kỷ qua.

Ngoài có thêm lựa chọn tài chính là các ngân hàng thương mại, Giám đốc chương trình Trung Quốc Yun Sun tại Trung tâm Stimson ở Washington cho biết các công ty đại lục cũng linh hoạt hơn trong đầu tư khi nhiều quốc gia châu Phi thay đổi mô hình quan hệ đối tác phát triển. Từ năm ngoái, Bắc Kinh trước áp lực bị chỉ trích về chính sách “ngoại giao bẫy nợ” đã chuyển sang khuyến khích các công ty đầu tư vào châu Phi theo hình thức đối tác công - tư (PPP), đồng nghĩa tất cả khoản nợ mà nhà nước châu Phi đã vay của Trung Quốc sẽ do chính người dân của họ chi trả. Việc chuyển đổi sang PPP dường như là một sự miễn cưỡng bởi Bắc Kinh vốn ưu ái mô hình cho vay giữa nhà nước với nhà nước. Nhưng điều này có thể góp phần giảm thâm hụt ngân sách và áp lực trả nợ cho chính phủ nhiều nước đang ngập trong nợ Trung Quốc và uy tín quá tệ không thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết