25/03/2019 - 21:17

Trung Đông “khát nước” 

Ngày Nước sạch Thế giới (22-3) năm nay dường như là một ngày kinh khủng trên khắp Trung Đông trong bối cảnh ngày càng nhiều người dân trong khu vực không thể tiếp cận được nguồn tài nguyên quan trọng này. Ước tính, có tới 86% dân số của khu vực, tức khoảng 362 triệu người, sống trong cảnh thiếu nước.

Một bé trai người Palestine rửa mặt bằng nguồn nước hiếm hoi. Ảnh: FP

Một bé trai người Palestine rửa mặt bằng nguồn nước hiếm hoi. Ảnh: FP

"Tình trạng khan hiếm nước ngọt ngày càng trầm trọng do nhiều yếu tố, như sự phụ thuộc vào nguồn nước chung, biến đổi khí hậu, ô nhiễm, tình trạng thất thoát nước do các hệ thống cũ kỹ, sử dụng nước không hiệu quả và tăng trưởng dân số cao. Tình trạng chiếm đóng và xung đột cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các dịch vụ vệ sinh và nguồn nước của con người” - Ziad Khayat, quan chức phụ trách tài nguyên nước thuộc Ủy ban Kinh tế Xã hội Tây Á của Liên Hiệp Quốc (ESCWA), nói về nguyên nhân gây thiếu nước tại Trung Đông.

Theo ông Khayat, sự chiếm đóng của Israel đối với các lãnh thổ A-rập đã làm ảnh hưởng đến sự tiếp cận nguồn nước cũng như khả năng quản lý và cung cấp các dịch vụ vệ sinh và nước cần thiết, từ đó gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực, sức khỏe và sự phát triển. Ông Khayat nói rằng xung đột vũ trang trong khu vực đã khiến cơ sở hạ tầng nước và vệ sinh bị phá hủy, cản trở việc cung cấp nước uống và vệ sinh an toàn, trong khi hệ thống nước thải bị hư hỏng khiến nước sông và các giếng cạn bị ô nhiễm.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu cũng góp phần không nhỏ vào tình trạng thiếu nước tại Trung Đông, bởi nó mang đến nhiều tác động bất lợi đối với số lượng và chất lượng tài nguyên nước ngọt tại khu vực vốn đã khan hiếm nước này, gây ảnh hưởng đến khả năng đảm bảo an ninh lương thực, duy trì sinh kế ở nông thôn và bảo tồn hệ sinh thái. Không những vậy, lũ lụt, hạn hán và thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra tại nhiều nước Trung Đông, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và suy thoái môi trường ở một số nơi trong khu vực.

Ông Khayat cho hay, Trung Đông là khu vực có tỷ lệ gia tăng dân số cao và là một trong những nơi bị đô thị hóa nhiều nhất trên thế giới khi mà hơn 58% dân số trong khu vực hiện đang sống ở các thành phố. Thời gian qua, Trung Đông đã chứng kiến sự biến đổi đô thị đáng kể và không đồng đều. Trong khi một số nước phát triển một cách nhanh chóng, nhiều nước khác phải đối mặt với những thách thức về kinh tế, một số bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột dẫn đến sự dịch chuyển và di cư lớn.

Cùng với tình trạng mất điện, thiếu nước đã khiến nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe trong khu vực không hoạt động, làm gia tăng đáng kể nguy cơ bùng phát các bệnh lây lan do nước, đặc biệt là đối với những người sống ở các quốc gia bị xung đột.

Trước tình trạng trên, một số quốc gia Trung Đông đã đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng để đương đầu với những thách thức của biến đổi khí hậu, theo đuổi các chính sách năng lượng tái tạo và thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong nỗ lực thúc đẩy sự phát triển bền vững. Saudi Arabia là một ví dụ điển hình. Năm 2016, Saudi Arabia triển khai chương trình phát triển cơ sở hạ tầng nước uống và nước thải theo Chương trình Chuyển đổi Quốc gia và Tầm nhìn 2030. Theo đó, Riyadh đã công bố kế hoạch khuyến khích sử dụng nguồn tài chính tư nhân ở hầu hết mọi cấp để sản xuất nước uống và tái sử dụng nước thải. Và với dự án khử mặn Shuqaiq trên bờ Biển Đỏ, Saudi Arbia mỗi ngày tạo ra 450.000 mét khối nước, đảm bảo nguồn nước uống đáng tin cậy cho hơn 1,8 triệu dân.

TRÍ VĂN (Theo Arab News)

Chia sẻ bài viết