23/12/2019 - 14:48

Trung Á trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc 

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có kế hoạch công bố chiến lược mới dành cho Trung Á trong bối cảnh Trung Quốc ra sức tạo ảnh hưởng tại khu vực giàu năng lượng được cho là “sân sau” của Nga.

Binh sĩ Trung Quốc và Tajikistan trong cuộc tập trận chung hồi tháng 8. Ảnh: SCMP

Các cam kết song phương và khu vực phản ánh mục tiêu và ưu tiên của Mỹ sẽ được đưa vào chiến lược Trung Á mới của chính quyền Tổng thống Trump. Chiến lược nêu rõ cam kết của chúng tôi trong việc tăng cường mối quan hệ về chính trị, kinh tế và quân sự với các nước Trung Á” – một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Trong năm nay, Mỹ đã tăng cường quan hệ ngoại giao song phương với 5 quốc gia Trung Á. Cụ thể, Ngoại trưởng Kazakhstan Mukhtar Tileuberdi hôm 12-12 đã có chuyến thăm tới xứ cờ hoa. Trong cuộc gặp với ông Tileuberdi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington xem Astana là đối tác đáng tin cậy và then chốt trong việc duy trì an ninh khu vực. Trước đó hồi tháng 7, một phái đoàn các quan chức Mỹ lần đầu tiên đến Kyrgyzstan trong vòng 4 năm qua, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 11 đã tiếp đón Ngoại trưởng Turkmenistan Rashid Meredov. Theo kế hoạch, cơ quan này sẽ đón tiếp các phái đoàn chính phủ đến từ Tajikistan và Uzbekistan tham dự cuộc hội đàm thường niên sắp tới. Sự tăng cường can dự của Mỹ vào Trung Á là cơ hội để hai bên phối hợp hỗ trợ Afghanistan ổn định an ninh và tái hội nhập khu vực giữa lúc Washington chuẩn bị rút bớt binh sĩ về nước sau 18 năm chinh chiến. 

Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước Trung Á trong bối cảnh ảnh hưởng về mặt quân sự, kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc tại khu vực ngày càng gia tăng. Bắc Kinh đang bơm hàng tỉ USD phát triển cơ sở hạ tầng Trung Á – một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” (BRI) mà giới chức cũng như các nhà phân tích Mỹ cho rằng đang khiến một số quốc gia “lâm nợ”.  Washington lo ngại Bắc Kinh sử dụng "đòn bẩy kinh tế" để buộc các nước Trung Á trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ đang xin tị nạn về Trung Quốc. Các chuyên gia Liên Hiệp Quốc ước tính đã có ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của những nhóm Hồi giáo thiểu số bị giam giữ tại các "trại cải tạo" ở Tân Cương. Tuy nhiên, phía Trung Quốc khẳng định các địa điểm giam giữ là những "trung tâm dạy nghề".

Tại Tajikistan, đặc biệt ở vùng núi hẻo lánh ở khu vực biên giới phía Tây nước này, Trung Quốc không ngừng gia tăng ảnh hưởng về mặt quân sự lẫn kinh tế. Cụ thể, quân đội Trung Quốc hồi tháng 8 đã triển khai cuộc tập trận quân sự chung kéo dài 8 ngày với Tajikistan ở khu vực Gorno-Badakhshan, giáp biên giới với khu tự trị Tân Cương và Afghanistan, với sự tham gia của 1.200 binh sĩ. 

Quốc gia không giáp biển nói trên có ý nghĩa chiến lược với Trung Quốc, bởi nơi đây có thể là cửa ngõ để thuốc phiện cũng như các chiến binh Hồi giáo tràn vào Tân Cương. Không chỉ vậy, Tajikistan cũng nằm trên con đường giao thương quan trọng đối với sáng kiến BRI của Trung Quốc. Trước đó hồi tháng 2, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác thông tin cho rằng nước này xây căn cứ quân sự và cho binh sĩ đồn trú tại Tajikistan, nhưng lại lên tiếng bảo vệ quan hệ hợp tác quân sự chặt chẽ giữa hai nước. Năm 2016, Trung Quốc còn cấp tiền để Tajikistan xây thêm 11 tiền đồn biên giới và một trung tâm huấn luyện dọc theo biên giới Afghanistan. Đây là một phần trong cơ chế phối hợp và hợp tác 4 bên gồm Trung Quốc, Pakistan, Afghanistan và Tajikistan trong cuộc chiến chống khủng bố và cải thiện an ninh biên giới. 

Đáng chú ý là Trung Quốc đã vượt qua Nga về kinh tế, trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (chiếm 30%) ở Tajikistan trong năm 2016. Năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Tajikistan, với kim ngạch song phương đạt khoảng 1,5 tỉ USD.

Giới phân tích cho rằng sự can dự ngày càng tăng của Trung Quốc tại Tajikistan có thể khiến Nga khó chịu. Trung Á được coi là "sân sau", thuộc phạm vi ảnh hưởng quân sự và chính trị truyền thống của Nga. Vì thế, phía Mỹ giải thích rằng các nước Trung Á muốn thúc đẩy quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và phương Tây bởi họ cần có đối trọng, có thêm đối tác kinh tế-thương mại và làm giảm áp lực từ các cường quốc láng giềng.

TRÍ VĂN (Theo SCMP, RFERL)

Chia sẻ bài viết